Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nhiều bài thi văn nhòe nước mắt

ANTĐ - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, câu nghị luận xã hội trong đề thi văn tốt nghiệp THPT năm nay đã vượt quá tầm đề thi, trở thành bài học- lối sống cho nhiều học sinh.

Gương quên mình hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam đã khiến
nhiều bài thi tốt nghiệp THPT môn văn nhòe nước mắt

“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh tại phiên chất vấn chiều nay (13-6), xung quanh những câu hỏi của ĐBQH về tình trạng xã hội bị xuống cấp về văn hóa và đạo đức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nêu nguyên nhân khái quát của tình trạng bạo lực học đường, hiện có diễn biến phức tạp, là do: đặc điểm tâm lý lứa tuổi hiếu động, sự phát triển nhanh của nền kinh tế tác động, những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong phim ảnh, mạng internet và ngay trong gia đình gây ảnh hưởng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn: Chúng tôi nhận thấy biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh còn hạn chế, chưa tạo nên xúc cảm cho các cháu, chưa nêu được nhiều các gương tốt điển hình, việc phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, giáo dục tính năng sống chưa đi vào chiều sâu...

Để khắc phục tình trạng trên, ngành đã đổi mới nội dung phương pháp dạy học và thi cử, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Ngành đã vận động lồng ghép để mỗi thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh, đồng thời đang thanh- kiểm tra mạnh mẽ việc tiêu cực trong các cơ sở, làm trong sạch môi trường giáo dục. Việc đổi mới nội dung dạy học và thi được thể hiện cụ thể qua kỳ thi THPT vừa qua.

Đến đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ngưng lại, nói thêm bên lề: Bài thi văn năm nay (câu nghị luận trong đề thi tốt nghiệp môn Văn đề cập đến câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam dũng cảm cứu sống 5 học sinh, rồi bị nước cuốn trôi- P.V), có rất nhiều bài thi mực nhòe nước mắt của cả người viết lẫn người chấm. Đề thi tạo nên sự lay động không chỉ cho các cháu, mà cho cả các thầy cô giáo và người lớn. Đây không còn là đề thi mà là bài học- lối sống cho các cháu.