Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (1)

ANTĐ - Những lớp người Việt bình thường có “tinh thần thép” ngày đêm vẫn bám chắc biển Đông như “cây phong ba”, “cột mốc sống” mạnh mẽ kiêu hùng trước “bão” ...

Nhiều năm trở lại đây, ngư dân Việt Nam luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, hiểm nguy rình rập. Tuy vậy, vì miếng cơm manh áo và vì trách nhiệm trước tổ tiên, dân tộc, họ vẫn dong thuyền ra khơi đánh bắt. Những lớp người Việt bình thường có “tinh thần thép” ngày đêm vẫn bám chắc biển Đông như “cây phong ba”, “cột mốc sống” mạnh mẽ kiêu hùng trước “bão” ...

NƯỚC MẮT “SÓI BIỂN”


Sáng 16-7-2011, từ TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) chạy xe máy mất gần ba tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Từ đây, tiếp tục lên thuyền “cưỡi” sóng mất hơn hai giờ nữa mới ra được huyện đảo Lý Sơn - quê hương của “sói biển” Mai Phụng Lưu.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (1) ảnh 1
“Sói biển” Mai Phụng Lưu kể lại những ngày tháng bị giam giữ trên quần đảo Hoàng Sa

Lúc chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Lưu ra đón khách từ ngoài ngõ với nụ cười khiêm tốn. Vừa rót xong chén trà mời khách, “sói biển” đã bộc bạch tâm trạng: “Chắc mấy chú ra đây gặp anh là để viết bài phải không? Cách đây mấy hôm cũng có hai anh nhà báo ra đây rồi. Nhưng thực sự đợt này anh bận quá. Vợ chồng anh đang lo chạy vạy, xoay xở tiền bạc khắp nơi để sắm tàu mới chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt”.

Nói rồi anh lại thở dài: “Nhưng cũng khó khăn lắm chú ạ! Vừa rồi Ngân hàng Đông Á tạo điều kiện cho vay 300 triệu đồng tiền vốn tín dụng với lãi suất 14%/năm và sẽ trả trong vòng ba năm để gia đình anh đóng tàu mới. Nhưng ngần ấy tiền vẫn chưa đủ vào đâu. Để có một con tàu phải có ít nhất 800 triệu đồng trong tay. Đó là chưa kể tiền dầu chạy máy và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho tàu ra khơi đánh bắt dài ngày”.

“Sói biển” Mai Phụng Lưu sinh ra trong một gia đình truyền thống đã có bảy đời gắn bó máu thịt với nghề đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Hoàng Sa. Và hiện tại gia đình anh có bảy anh em trai thì tất cả đều bám biển Hoàng Sa mưu sinh.

Từ năm 2004 đến nay, tàu của gia đình “sói biển” Mai Phụng Lưu đã bị phía Trung Quốc bắt giữ bốn lần. Hai lần đầu, Trung Quốc phạt mỗi lần 140 triệu đồng rồi thả tàu cho về. Năm 2009, tàu của Mai Phụng Lưu lại bị bắt lần thứ ba, và lần này may nhờ sự can thiệp kịp thời của nhà nước nên tàu được thả về sớm. Tuy nhiên ngư cụ, thủy hải sản đánh bắt được và cả xăng dầu thì bị Trung Quốc tịch thu gần hết.
Qua ba lần bị bắt, “sói biển” đã viết cuốn “nhật ký giam cầm” kể lại những ngày tháng kinh hoàng trên biển Đông, trong “tù” và cả những khó khăn chồng chất đến mức không lối thoát của gia đình anh. Ba lần bị bắt đồng nghĩa với ba lần gia đình “sói biển” tán gia bại sản, nợ nần ngập đầu. Nhưng rồi vợ chồng anh lại tự động viên nhau cố gắng gượng mà bám biển. Vì thế anh lại vay mượn, cầm cố nhà cửa để tiếp tục đóng tàu mới ra khơi.

Sau ít chuyến đi biển hòa vốn, ngày 11-9-2010, tàu cá QNg 66478-TS do Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng lại tiếp tục bị phía Trung Quốc bắt lần thứ tư. Lần này lấy lý do tàu cá của anh “vi phạm chủ quyền” và “thòng” thêm lý do “tàu mang thuốc nổ ra khơi” (!?) (trên thực tế khi bị bắt giữ tàu QNg 66478-TS không hề chứa thuốc nổ - PV) nên phạt 70.000 nhân dân tệ và quyết định giam người, giữ tàu.

Một tháng bị giam giữ trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ ngày 11-9 đến ngày 11-10-2010), “sói biển” Mai Phụng Lưu cùng 8 ngư dân trên con tàu “định mệnh” đã bị phía Trung Quốc rượt đuổi bắt lại khi đang mưu sinh cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 3 hải lý về phía đông bắc. Họ bịt mặt tất cả 9 ngư dân trên tàu rồi dẫn lên một ngôi nhà nằm trên đảo Phú Lâm. Ở đó một người Trung Quốc nói được tiếng Việt đã hỏi cung chúng tôi:

- Ai là thuyền trưởng con tàu trên?

Tôi dõng dạc trả lời: Tôi chính là thuyền trưởng con tàu hiệu QNg 66478-TS vừa bị các ông bắt giữ. Tên tôi là Mai Phụng Lưu, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam).

- Tại sao anh đã ba lần bị phía chúng tôi bắt giữ và tịch thu tàu thuyền, ngư cụ rồi mà vẫn tiếp tục ra nơi này đánh bắt?

- Từ bao đời nay, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt  con tôm, con cá chính của cha ông chúng tôi. Nay vì kế sinh nhai, thế hệ chúng tôi lại tiếp tục dong thuyền ra đây mưu sinh.

Sau một tháng bị giam cầm, bỏ đói và đánh đập đến kiệt sức, dưới sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng Việt Nam, cuối cùng phía Trung Quốc buộc phải thả tàu QNg 66478-TS cùng 9 ngư dân trở về. Nhưng trên đường về lại huyện đảo Lý Sơn, con tàu “định mệnh” một lần nữa lại gặp nạn, phải đối mặt với giông tố. Sau 5 ngày đêm lênh đênh, chống chọi với “thần chết” trên biển Hoàng Sa, ngày 24-10-2010, “sói biển” Mai Phụng Lưu cùng 8 “người hùng” trên tàu QNg 66478-TS đã được Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam và tàu Cảnh sát biển 6006 cứu đưa trở về đất liền trong niềm vui mừng khôn xiết của người thân.

Sau bốn lần bị Trung Quốc bắt giữ, hiện gia đình “sói biển” Mai Phụng Lưu đang phải đối mặt với nợ nần, khánh kiệt, nghèo nàn, nhưng trước lúc chia tay, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói can trường của anh: “Sau lần ấy về không đêm nào tui ngủ được một giấc ngon chú ạ! Vì tui biết “họ” đang đưa vật liệu, đóng bê-tông cốt thép kiên cố trên đảo Phú Lâm và các hòn đảo xung quanh. Nhưng dù thế nào đi nữa, tui, con tui và các cháu tui sau này lớn lên vẫn sẽ ra vùng biển của cha ông mà đánh bắt...”.

TRỞ VỀ TỪ “CÕI CHẾT”

Chúng tôi may mắn được anh Lại Xuân Lộc (32 tuổi, trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) kể cho nghe câu chuyện thoát chết hi hữu khi anh gặp phải cơn bão Chan Chu (hồi tháng 5 -2006).

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (1) ảnh 2
Anh Lại Xuân Lộc - người may mắn trở về từ “cõi chết” bên vợ trẻ và con thơ

“Lúc đó là 15 giờ ngày 12-5-2006, tôi cùng 25 anh em trên tàu cá ĐNA-90152 đang ở tọa độ 20.40 độ Bắc - 117.20 độ kinh Đông (trên vùng biển Hoàng Sa) thì nghe đài thông báo có một cơn bão tại vị trí 12.7.00 độ Bắc - 123 độ kinh Đông, đang di chuyển theo hướng tây - tây bắc (mỗi giờ đi được 12 - 17km). Thuyền trưởng chúng tôi là anh Đỗ Văn Xin (SN 1966, trú TP. Đà Nẵng) ra lệnh cho tàu di chuyển với tốc độ cao theo hướng bắc (tránh hướng đi của bão) nhằm giảm những tổn thất. Sau khi đến tọa độ 20.30 độ Bắc - 116.47 độ kinh Đông (thuộc đảo Đông Sa), chúng tôi neo đậu tại đó để chờ bão qua. Nhưng sau đó gió càng lúc càng mạnh. Đến 23 giờ 15 ngày 15-5, bão bất ngờ ập tới nơi chúng tôi đang neo đậu và giật mạnh dữ dội từ cấp 9, cấp 10 rồi lên cấp 10, 11, 12. Gió hút, sóng dâng cao mấy chục mét khiến nhiều tàu thuyền bị đánh tơi tả rồi chịu nhấn chìm sau đó.

Đến 10 giờ sáng 16-5, khi bão đi qua, nhìn lại thì hàng trăm chiếc tàu neo đậu xung quanh chúng tôi đã bị nhấn chìm xuống đáy biển, chỉ còn ít chiếc neo đơn, rách nát. Tàu chúng tôi vẫn tiếp tục neo đậu lại đó thêm một giờ nữa rồi bắt đầu chia nhau bủa đi tìm anh em, đồng nghiệp. Tàu ĐNA-90152 chạy theo tọa độ 20.50 Bắc - 117.48 Đông thì gặp tàu QNg 2121-TS của Quảng Ngãi hành nghề câu cá ngừ đại dương. Con tàu này vẫn nổi nhưng xung quanh không còn một xác người. Tiếp tục chạy theo la bàn 180 độ được khoảng 7,5 hải lý thì chúng tôi vớt được xác em ruột của thuyền trưởng là anh Đỗ Văn Hoa nằm cạnh chiếc tàu DNA-90199 chừng 150m. Mặc dù sau đó chúng tôi tiếp tục cứu được 18 người đã kiệt sức đang trôi trên biển và vớt được thêm 30 xác người nữa, nhưng xác của hai người anh ruột của tôi là Lại Xuân Đào (34 tuổi) và Lại Xuân (33 tuổi) vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi”.

Siêu bão Chan Chu trên biển Hoàng Sa đã để lại hậu quả kinh hoàng, thảm khốc cho ngư dân Việt Nam nói chung và người dân vùng ven biển duyên hải miền Trung nói riêng. Hàng trăm tàu thuyền bị nhấn chìm, gần 200 người chết và mất tích. Riêng làng Bình Tịnh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có 87 người đàn ông câu mực giữa biển khơi vĩnh viễn trôi dạt theo ngàn trùng. Và từ đó đến nay, ngày 19-4 âm lịch được người dân nơi đây lấy làm ngày “đại tang”- ngày giỗ chung cho những “người xấu số Chan Chu”.

Không chỉ bị bão tố nhấn chìm hoặc bị “tàu lạ” rượt đuổi, bắt bớ, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ mà ngư dân Việt trên biển Đông cũng đang phải đối mặt với bao hiểm nguy, thách thức của nạn cướp biển hoành hành. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng ký ức về “đêm định mệnh” gặp phải cướp biển rồi may mắn thoát chết trong gang tấc vẫn ám ảnh anh Dương Văn Hưởng (45 tuổi, trú thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (1) ảnh 3
Cảnh sát biển Việt Nam (áo trắng) và hải quân Trung Quốc bắt tay trao trả tàu QNg 66478-TS của “sói biển” Mai Phụng Lưu cùng 8 ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ hồi tháng 10-2010 trên vùng biển Hoàng Sa

Đêm 17-7-2011, bên chén rượu nồng, anh đã trải lòng kể lại quá khứ cho chúng tôi nghe: “Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi “kiếm” được 5 tạ hải sâm, gần 12 tạ san hô đen có tổng trị giá trên 120 triệu đồng. Nhưng đêm tiếp theo, lúc đó khoảng 23 giờ 30 một ngày cuối tháng 7-2006, biển gợn sóng êm ả, bảy ngư dân chúng tôi đang vội vàng thả neo thì bất thình lình thấy con thuyền bị chao đảo mạnh, nước bắn tung tóe lên tận boong lái. Một chiếc tàu sắt (trọng tải khoảng 2 tấn) áp sát bên cạnh. Tám tên cướp mặc áo rằn ri, bịt kín mặt mũi hét lớn tỏ ý ra lệnh cho các thuyền viên trên tàu chúng tôi giơ tay lên và đồng thời chĩa mũi súng đen ngòm vào đầu từng người một.

Thấy một người trong chúng tôi ngọ nguậy, một tên cướp nổ ba phát súng chỉ thiên hăm dọa rồi ra lệnh cho đồng bọn trói chặt  tay chân, buộc tất cả nằm xuống sàn tàu. Hơn một tiếng đồng hồ lục lọi tìm kiếm khắp nơi, bọn cướp lấy hết số hải sản mà chúng tôi đã kiếm được rồi xuống tàu đợi sẵn biến mất trong chốc lát. Sau khi chúng bỏ đi, dù cơn hoàn hồn vẫn chưa qua nhưng tôi cố gắng đứng dậy cởi trói cho từng người rồi động viên anh em trên tàu là... “của đi thay người”, may mắn còn giữ được... “cái đầu”.

Với số ít dầu và gạo mắm còn lại, chúng tôi tằn tiện ăn uống trong vòng 6 ngày đêm và cuối cùng về đến biển Vũng Tàu. Qua ngày hôm sau, tôi gọi điện cho vợ con gửi tiền vào để tiếp ứng thêm dầu, gạo chạy về nhà”. Đã bốn năm trôi qua sau “cú sốc” kinh hoàng vì gặp phải cướp biển, nhưng đến nay cũng ngần ấy thời gian, thuyền trưởng Dương Văn Hưởng cùng những thuyền viên trên tàu của mình vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Hàng tháng (vào mùa biển lặng sóng), ngư dân miền Trung vẫn thấy bóng dáng anh như một cây phong ba vững chãi trên vùng biển Hoàng Sa của tổ quốc.

(Còn tiếp)