Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Phải có cơ chế đặc thù vượt trội, giao quyền mạnh cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin, điểm chủ yếu nhất của Luật Thủ đô (sửa đổi) là đưa ra những cơ chế đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội…
Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại tổ Hà Nội chiều 10-11

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại tổ Hà Nội chiều 10-11

Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đều thống nhất cao việc cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô sau 11 năm thi hành, đồng thời nhấn mạnh trong luật sửa đổi lần này phải mang đến những cơ chế đặc thù vượt trội và có tính khả thi để giúp Thủ đô phát triển.

Các ĐB Vũ Lưu Mai, Hoàng Văn Cường đều nêu rõ, hiện có nhiều tỉnh thành cũng đã được dành cho những cơ chế chính sách đặc thù. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có vị trí chính trị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt của cả nước, nên chính sách đặc thù dành cho Hà Nội phải vượt trội hơn các địa phương khác.

ĐB Vũ Lưu Mai nhấn mạnh, từ thực tiễn triển khai Luật Thủ đô năm 2012 có nhiều chính sách không đi được vào đời sống, luật sửa đổi lần này phải tạo ra căn cứ pháp lý chặt chẽ để có tính khả thi cao chứ không phải “khẩu hiệu”, hơn nữa đây là luật chứ không phải nghị quyết triển khai thí điểm nên phải có tính thực tiễn cao hơn, tính thí điểm ít đi.

ĐB Hoàng Văn Cường góp ý, để Luật triển khai vào thực tiễn không vướng mắc thì cần ghi rõ, với các quy định ở luật khác liên quan đến thủ đô mà trái với Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này thì phải thực hiện theo luật Thủ đô; còn sau này có các luật mới, nếu có quy định nào ở Luật Thủ đô (sửa đổi) không phù hợp với luật mới ban hành thì ghi rõ là thực hiện theo luật mới…

Thông tin, trao đổi và cũng là đóng góp thêm ý kiến xây dựng Luật thủ đô (sửa đổi), tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình triển khai xây dựng luật bắt đầu từ năm 2021.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Cụ thể, khi thành phố tiến hành tổng kết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2010-2023 và đề xuất với Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 thì thành phố đã tiến hành đồng thời với tổng kết Luật Thủ đô năm 2012.

“Với yêu cầu phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, thời kỳ này cao hơn thời kỳ trước. Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa giáo dục và đào tạo, hợp tác quốc tế…; phát triển Hà Nội phải tạo động lực để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Rồi yêu cầu nữa với phát triển Thủ đô là văn hiến, văn minh, hiện đại” – Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin.

Theo ông Dũng, khi tổng kết Luật Thủ đô năm 2012, tư tưởng của luật rất tốt, nhiều tư tưởng hay. Nhưng sau khi Luật Thủ đô ban hành năm 2012 thì năm 2023 Quốc hội sửa Hiến pháp, sau đó nhiều luật khác đều thay đổi theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa để triển khai Luật Thủ đô chưa đủ, nhiều tư tưởng rất hay nhưng tính khả thi chưa cao, nên chưa thực sự đi vào đời sống. Một số việc khác triển khai thực hiện thì lại không đúng theo tinh thần Luật thủ đô.

Vì vậy, ở lần sửa đổi Luật Thủ đô lần này đưa ra những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, phân cấp phân quyền mạnh cho Thủ đô để Thủ đô triển khai.

“Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là cơ chế chính sách phải đặc thù, vượt trội; tăng quyền, giao quyền. Với Luật này, tinh thần chủ yếu là về phân cấp, ủy quyền, hay nói cách khác là giao quyền cho Thủ đô trên tất cả lĩnh vực. Vì thế, quá trình xây dựng luật đã đưa ra 9 nhóm chính sách” – Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, về phát triển nông nghiệp nông thôn của Hà Nội, phải có cơ chế đặc thù. Hà Nội hiện mới có tỷ lệ 30% đất đô thị, mục tiêu là nâng tỷ lệ này lên 40/60. Nên vấn đề phải đẩy mạnh phát triển nông thôn, để nông thôn và đô thị dần dần phải hòa đồng vào nhau.

“Song đặc thù của nông thôn Hà Nội là nông thôn vùng bắc bộ. Toàn thành phố có 1.300 làng nghề và làng có nghề, cần phải giữ, phải bảo tồn. Nó là truyền thống, là văn hóa. Phát triển nông thôn của Hà Nội hiện đại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc, giữ được làng nghề” – Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.

Thứ hai, về cơ chế chính sách đặc thù ở lĩnh vực tài chính. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện HĐND TP Hà Nội được giao quyền có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Song với những dự án, chẳng hạn như đầu tư đường sắt đô thị, nguồn vốn là rất lớn. Do đó, không nên giới hạn về định mức phân bổ vốn đầu tư như vậy mà cần có những chính sách đặc thù được quy định ngay trong luật này.

Tiếp tục dẫn ví dụ về vướng mắc trong đợt cải tạo Nhà hát lớn Hà Nội giai đoạn trước, mất nhiều năm không xong chỉ vì thiếu hết quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá…, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, Hà Nội cũng cần được giao cơ chế đặc thù về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Mặt khác, song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương cho Hà Nội, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Về nội dung được các đại biểu đề cập đến như di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Bí thư Thành ủy đề nghị để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố. Các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật…