Bí ẩn tượng rồng đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh

(ANTĐ) - Cách đây tròn 19 năm, trong một lần tu bổ tam quan đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, người dân trong thôn đã phát hiện một pho tượng rồng kỳ lạ bằng đá nguyên khối nặng gần 3 tấn được tạc theo thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Trong đợt khai quật khảo cổ vừa qua tại đền, thêm 2 khúc chân sau của rồng được tìm thấy ngay trong khuôn viên của đền.

Bí ẩn tượng rồng đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh

(ANTĐ) - Cách đây tròn 19 năm, trong một lần tu bổ tam quan đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, người dân trong thôn đã phát hiện một pho tượng rồng kỳ lạ bằng đá nguyên khối nặng gần 3 tấn được tạc theo thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Trong đợt khai quật khảo cổ vừa qua tại đền, thêm 2 khúc chân sau của rồng được tìm thấy ngay trong khuôn viên của đền.

Khối tượng rồng phát hiện năm 1991 đang thờ tại miếu Xà Thần
Khối tượng rồng phát hiện năm 1991 đang thờ tại miếu Xà Thần

Chuyện về tượng rồng

Theo ông Nguyễn Đức Đam, thủ từ đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, việc phát hiện “ông rồng” đang được thờ tại miếu Xà Thần trong đền khá tình cờ. Đó là vào năm 1991, khi tiến hành dọn dẹp tu sửa lại đền, một người dân trong thôn đã phát hiện tượng đá lạ ẩn dưới đám cây dại, ngay phía lối lên đền. Đoán đây là tượng quý, người dân trong thôn chỉ dám bới đất quanh tượng bằng những vật dụng hết sức thô sơ. Phải mất một tuần ròng, pho tượng mới xuất lộ hoàn toàn. Những người có mặt khi đó ai cũng ngỡ ngàng về độ lớn của tượng và kèm theo đó là cảm giác sợ hãi trước mặt mũi của ông rồng quá đau đớn và bi thương.

Thân rồng uốn thành hình tròn, miệng há rộng với những chiếc răng dài và nhọn cắm vào thân. Hai chân trước dang rộng, móng vuốt sắc nhọn cũng bấu chặt vào thân mình. Đôi mắt rồng trợn lên, hai mang phình ra và điểm đặc biệt là tai trái được tạo tác bình thường, còn tai phải thì kín đặc. Rồng được tạc bằng đá sa thạch trong tư thế sống động, nhưng lại thể hiện một trạng thái đau đớn đến tột cùng. Khi đó, người dân trong làng đã xây một ngôi miếu nhỏ, đưa rồng vào thờ và gọi rồng đá bằng cái tên hết sức cung kính “ông rồng”. Vào những ngày tuần tiết, khi đến thắp hương ở chùa Bảo Tháp và đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, ai cũng coi “ông rồng” như một vị thần, một bảo vật của đền.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, đây là pho tượng độc đáo, hình dáng tượng nửa là mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng... hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Và vì tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075 nên nhiều người cho rằng, tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án “Hóa hổ giết vua” trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đời vua Lý Nhân Tông.

Cơ hội phục hồi  khối tượng rồng đá

Năm 2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là một trong 4 di tích trọng điểm của tỉnh để tiến hành tu bổ tôn tạo và gắn biển Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước khi tiến hành tu bổ, một cuộc khai quật nhỏ với 5 hố đào tổng diện tích 30m2 đã được mở. Lần theo dấu tích nơi phát hiện tượng rồng miếu Xà Thần. Các nhà khảo cổ đã mở thêm 2 hố khai quật nữa với diện tích mỗi hố 5m2, và ở độ sâu 50cm, ở cả hai hố đào đã phát hiện 2 khúc tượng rồng mỗi khúc dài xấp xỉ 60cm, cao 35cm và rộng 40cm, phần chân hoàn toàn nguyên vẹn, có móng vuốt sắc nhọn bám vào thân, chất liệu và phong cách tạo tác hoàn toàn phù hợp với chất liệu và phong cách tạo tác khối tượng được thờ trong miếu Xà Thần.

Một phần chân sau của rồng vừa phát hiện qua đợt khai quật khảo cổ học
Một phần chân sau của rồng vừa phát hiện qua đợt khai quật khảo cổ học

Theo ông Nguyễn Khắc Thuận - Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, rất có thể đây là phần còn thiếu của tượng rồng phát hiện năm 1991. Tuy nhiên, khi mang 2 khúc mới phát hiện vào ghép với tượng rồng kia lại không khớp. Điều này cho thấy tượng còn một phần thân lớn nữa, chứ không chỉ có mỗi đầu và đuôi như hiện nay. Như thế có nghĩa, vẫn còn những mảnh thân rồng, nằm đâu đó dưới các lớp đất quanh đền.

Ông Nguyễn Khắc Thuận cũng cho biết thêm, 2 khúc rồng vừa mới phát hiện có niên đại thời Lý trùng khớp với niên đại của tượng rồng đang được thờ trong miếu. Căn cứ vào khúc rồng mới phát hiện có thể cho ta thêm những nhận thức rằng, việc phát hiện khối tượng rồng năm 1991 chỉ là phần đầu của tượng, còn một phần lớn nữa của tượng đang thất lạc. Phát hiện này có thể là bước đột phá để tương lai có thể phục hồi hoàn toàn khối tượng rồng đá đặc biệt quý hiếm này.

Vân Quế