Bệnh nhân 26 tuổi nặng... 16 kg

ANTĐ - Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai đang điều trị một trường hợp có hoàn cảnh thương tâm. Bệnh nhân là anh Lương Văn Kiên (ở xóm Nguyễn, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), năm nay đã 26 tuổi nhưng cao chưa đầy 1,2 mét, nặng 16kg, nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ người bố...

Bệnh nhân Lương Văn Kiên bị chứng suy nhược nghiêm trọng

TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, anh Kiên nhập viện cách đây hơn 1 tuần, trong tình trạng co giật và tiêu chảy kéo dài, bị suy gan, suy thận, rối loạn nước và điện giải. Lúc đầu, gia đình cũng như các bác sĩ đều nghĩ anh bị ngộ độc thức ăn, tuy nhiên sau khi khám, xét nghiệm thì chẩn đoán bệnh nhân bị suy kiệt nặng, kéo dài do kém hấp thụ, kèm thêm 2 mắt gần như đã bị hỏng, không nhìn được do đục thủy tinh thể. 

Đặc biệt, tình trạng của bệnh nhân càng nguy kịch hơn do cơ thể anh quá suy nhược, thấp bé, còi cọc, dù đã 26 tuổi nhưng mới cao chưa đầy 1,2 mét, nặng 16 kg. Cơ thể trơ xương, 2 cánh tay và cẳng chân không khác gì hai thanh củi khô, riêng 2 chân gầy và yếu đến nỗi từ nhỏ đến giờ Kiên không thể đứng, đi được mà chỉ nằm và ngồi, mọi sinh hoạt đều phải do gia đình chăm sóc. Nếu như chỉ số cơ thể BMI (tính bằng cân nặng chia cho chiều cao bình phương) của người bình thường là 22-23, thì chỉ số BMI của bệnh nhân Kiên chỉ là 11, tức chưa bằng một nửa người thường. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, khả năng bệnh nhân bị như vậy là do di chứng từ người bố bị chất độc da cam. Thế nhưng, điều đáng thương tâm hơn là bố của Kiên đến nay vẫn không được địa phương công nhận bị chất độc da cam. Bản thân Kiên cũng không có bảo hiểm y tế, phải điều trị theo dạng tự nguyện hoàn toàn.

Ngồi bên giường bệnh chăm đứa con đã tuổi thanh niên mà như đứa trẻ bình thường, ông Lương Văn Phông (60 tuổi) nghẹn ngào tâm sự. Từ hôm vào viện đến nay gia đình đã phải nộp viện phí hơn 7 triệu đồng. Bố mẹ đều đã già lại chỉ trông vào mấy sào lúa, không có thêm nghề phụ gì, trong khi các con lớn đã tách ra ở riêng và đều khó khăn, không đỡ đần được bao nhiều, nên để có tiền đưa con đi viện, vợ chồng ông phải chạy vạy vay mượn khắp xóm. “Biết là cháu nó vẫn còn bệnh nặng nhưng vợ chồng tôi định chiều nay sẽ xin BV cho cháu về vì… hết tiền rồi”.

Ông Lương Văn Phông buồn rầu nhìn đứa con tật nguyền

Theo lời kể của ông Lương Văn Phông, ông đi bộ đội chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh- đường 9 Nam Lào từ năm 1973 và đến năm 1979 xuất ngũ, về quê làm ruộng. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 3 con đầu phát triển bình thường nhưng đến đứa con út là Lương Văn Kiên (SN 1987) lúc sinh chỉ nặng 1,8kg, người xanh xao ốm yếu, càng lớn càng chậm phát triển, không đi đứng, nhìn được nên cũng không thể học hành gì. Người con trai cả của ông sinh được 3 cháu thì cháu thứ 2 cũng bị bệnh bẩm sinh, 2 chân đi hình chữ O (bị vòng kiềng nặng), tai vẹo, không có lỗ tai, hay bị động kinh nên dù đã 9 tuổi cũng không đi học được… 

Vì những lẽ đó, ông Phông cho rằng bản thân bị chất độc da cam. Thế nhưng suốt từ năm 1995 đến nay, đã nhiều lần làm hồ sơ gửi xã, huyện công nhận là đối tượng chất độc da cam để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như những cựu chiến binh cùng hoàn cảnh khác, song lần nào hồ sơ của ông cũng bị trả lại. Năm nay đã 60 tuổi, 2 ông bà Lương Văn Phông vẫn phải bán sức lao động, làm thuê mướn để có tiền nuôi đứa con bệnh tật mà không được hưởng bất cứ một chế độ ưu đãi, hỗ trợ nào từ nhà nước. Bản thân anh Kiên bị bệnh tật như vậy nhưng cũng không được hưởng ưu đãi nào, bảo hiểm y tế cũng không có. 

Nhiều lần ông Phông định đi giám định y tế để có giấy tờ xác định mình bị nhiễm chất độc da cam nhưng rồi không có tiền, không biết giám định ở đâu. Nói đến đây ông thở dài: “đời mình khổ cực quen rồi, chỉ lo mai này 2 vợ chồng già yếu không làm được nữa, hay mất đi thì bỏ lại đứa con bệnh tật không ai nuôi dưỡng, chắc lại phải trông vào mấy anh em lớn của nó đùm bọc. Giá nó được hưởng chút chế độ cho người tàn tật, người nghèo thì cũng đỡ…”.