Đại tá Vũ Kim Thành trong chuyến công tác cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, năm 2004
1.Chẳng hiểu sao tôi vẫn nghĩ nếu không theo học ngành an ninh và sau đó làm công việc liên quan đến nghề báo, chắc chắn Đại tá Vũ Kim Thành đã đi theo con đường sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Văn. Nghĩ vậy chẳng phải vì thấy ông yêu văn chương, hiểu biết về thơ ca và có một tâm hồn dễ xúc động trước vui buồn của người khác mà còn bởi ở vị Đại tá này có cả sự mực thước, tính cách hiền hậu cùng khả năng truyền cảm hứng tới mọi người như một “người lái đò” thực thụ.
Tới sau này khi được biết thời còn là học sinh trường Phổ thông cấp III Tiên Lữ (Hưng Yên), cậu học trò Vũ Kim Thành từng giành giải Nhất cá nhân môn Văn trong cuộc thi học sinh giỏi tỉnh Hải Hưng (năm học 1970-1971), rồi ông cụ thân sinh ra Đại tá Vũ Kim Thành là một thầy giáo, tôi lại càng tin vào điều mà mình vẫn luôn nghĩ ấy.
Đem thắc mắc này hỏi Đại tá Vũ Kim Thành, ông cười bảo: “Âu đó cũng là cái duyên nghề tự dưng đến với mình”. Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp cấp III, như bao cô cậu học trò cùng trang lứa, Đại tá Vũ Kim Thành đau đáu với nỗi mong mỏi của bậc sinh thành mong con mình học lên Đại học và rạng danh nên người.
Thời điểm đó, tháng 10-1973, Đại tá Vũ Kim Thành bảo ông cũng chẳng nghĩ đến chuyện sẽ theo học ngành an ninh cho tới khi có công an huyện về địa phương làm hồ sơ xét tuyển. Chẳng đợi ai khuyên nhủ hay định hướng, ông tự mình ghi danh đăng ký để rồi sau đó khoác balô vào ngành công an, theo học tại khóa Đ5, trường Sĩ quan An ninh, nay là Học viện ANND.
Vốn yêu thích văn chương chữ nghĩa nên dù đi theo ngành mà mình chưa hiểu biết nhiều nhưng Đại tá Vũ Kim Thành vẫn nhớ như in thời đó, cứ đọc thấy ở đâu có bài thơ hay là ông đều chép lại, nhất là thơ tình. Những cuốn sổ chép thơ đó, tới bây giờ ông vẫn giữ. Đặc biệt, quãng thời gian 4 năm (1978-1982) sau khi ra trường và vào miền Nam nhận nhiệm vụ, đó chính là những thứ không thể thiếu trong hành trang mà vị Đại tá này mang theo để hễ rảnh rỗi hay lúc khó khăn, gian khổ là lại giở ra đọc cho nguôi nỗi nhớ quê nhà và tin yêu vào cuộc sống.
Đại tá Vũ Kim Thành bảo ông vẫn nhớ ngày mới vào học trường Sĩ quan An ninh, trong giáo trình học môn Toán có ghi lại một câu nói mà ông vô cùng tâm đắc và thích thú, đại để là trường Sĩ quan An ninh đào tạo nên những sĩ quan an ninh, đồng thời là nhà toán học, nhà tâm lý học và cả nhà thơ. Thế nên ông vẫn nghĩ, dù có lựa chọn theo học ngành này, ông vẫn chưa bao giờ đánh rơi niềm đam mê dành cho văn thơ.
Bất ngờ là sau này, cũng chính duyên nợ với văn chương đã đưa ông về công tác tại Báo An ninh Thủ đô. Như lời kể của Đại tá Vũ Kim Thành thì đầu năm 1995, khi đang công tác tại một phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội, ông nhận quyết định điều động sang làm Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô.
Khi đó, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Tình - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP phụ trách công tác xây dựng lực lượng có nói với ông một trong những lý do của sự điều động này là bởi ngày xưa biết ông học giỏi Văn và yêu thích văn chương.
Những ngày đầu khi mới về báo, gặp gỡ các đồng nghiệp mới vốn là dân tổng hợp Văn, ông khiến mọi người ngạc nhiên vì khả năng ứng khẩu và đối đáp các loại thơ, từ Xuân Diệu, Nguyễn Bính đến Puskin. Có đồng nghiệp vỗ vai ông hỏi “xưa cũng học Văn à?”, ông vội vàng đính chính: “Không, tớ học An ninh nhưng thích thơ nên nhớ”.
2. Công việc của một Phó Tổng biên tập phụ trách công tác xây dựng lực lượng thường xuyên làm việc với văn bản giấy tờ vốn bị xem là khô khan và chẳng mấy khi dụng đến văn chương chữ nghĩa, nhưng với Đại tá Vũ Kim Thành thì chính công việc này lại đem đến cho ông rất nhiều cảm hứng.
Gõ từ khóa tên của Đại tá Vũ Kim Thành trên website báo điện tử An ninh Thủ đô, kết quả cho ra hàng trăm những chuyến đi từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền núi đến miền biển rồi sang cả Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào anh em… Đây đều là những chuyến thiện nguyện của đoàn công tác xã hội tình nghĩa Báo An ninh Thủ đô.
Nhưng đó chỉ là phần nhỏ của những chuyến đi như thế mà Đại tá Vũ Kim Thành cũng như các đồng chí trong Ban Biên tập báo đã trải qua trong suốt 20 năm ông gắn bó với tờ báo này.
Còn nhớ cách đây đúng 5 năm, cũng vào dịp hè năm 2011, tôi có dịp cùng Đại tá Vũ Kim Thành và đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô về khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (Quảng Nam). Trên đường đi, đến đoạn cầu Bến Thủy (Nghệ An), tôi được nghe Đại tá Vũ Kim Thành xúc động kể lại câu chuyện về lần đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đi cứu trợ bà con vùng lũ lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào mùa Trung thu năm 1996.
Khi đó, đi ngang qua đúng đoạn này thì gặp cơn lũ quét tràn về ngập trắng Quốc lộ 1, nước ngập mênh mông, xe nối dài hàng cây số từ cầu Bến Thủy. Nếu đợi nước rút mới đi thì phải chờ có khi tới vài ngày.
Nhưng vì không muốn bà con nơi đoàn đến cứu trợ phải đợi lâu, Đại tá Vũ Kim Thành khi ấy là Trưởng đoàn công tác đã quyết định cho xe vòng lại đi bằng con đường núi xuyên qua huyện Nghi Xuân, Can Lộc về thành phố Hà Tĩnh rồi qua Khe Giao lên thẳng Hương Khê, bất chấp con đường này gần như bị bỏ quên sau chiến tranh và rất cheo leo hiểm trở, nhất là xe ôtô chở hàng cứu trợ cồng kềnh đi không cẩn thận là dễ lao xuống vực.
Vào đến nơi trao quà cứu trợ cho bà con vùng rốn lũ, lúc đoàn cứu trợ quay ra để trở về Hà Nội, chỉ chậm vài tiếng đồng hồ là nước lũ dâng cao không còn đường mà về. Đó cũng là chuyến công tác xã hội tình nghĩa đầu tiên của Đại tá Vũ Kim Thành trong số hàng trăm chuyến đi như thế trong quãng thời gian 20 năm ông công tác tại Báo An ninh Thủ đô.
“Không để bà con chờ” cũng là câu nói quen thuộc mà cánh phóng viên chúng tôi vẫn thường nghe Đại tá Vũ Kim Thành nói trong tất cả các chuyến công tác xã hội tình nghĩa của Báo An ninh Thủ đô mà ông tham gia.
Và rất nhiều lần trong những chuyến đi như thế, chúng tôi bắt gặp khoảnh khắc vị Đại tá này rưng rưng xúc động mỗi khi bắt gặp những mảnh đời khó khăn, những con người có số phận không may mắn và cả khi đứng trước những tấm gương chiến sĩ công an đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ giữa thời bình.
Đại tá Vũ Kim Thành luôn tâm huyết với những chuyến đi tình nghĩa cả trong nước lẫn nước ngoài
3. Có điều lạ là cho tới tận bây giờ khi Đại tá Vũ Kim Thành đã nghỉ hưu, tôi chắc là nhiều người như tôi, chưa thấy ông nổi đóa với ai bao giờ. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, ông là người không biết cáu, cùng lắm chỉ biết nói nặng hơn lúc nhẹ. Có lẽ cũng vì tính cách hiền hậu ấy nên đôi khi cánh phóng viên quên mất cả việc ông là “sếp”, mà xem ông như một người bạn lớn.
Ở Báo An ninh Thủ đô, Đại tá Vũ Kim Thành còn được biết đến như “bầu sô” của mọi hoạt động sinh hoạt đoàn thể, từ thể thao đến ca múa nhạc. Đội bóng đá An ninh Thủ đô có mặt bất cứ sân nào, dù là tập hay thi đấu, quanh năm đều không thiếu sự có mặt của ông, đến bây giờ ông vẫn giữ thói quen này dù đã về hưu.
Đội văn nghệ An ninh Thủ đô cũng vậy, dù tập luyện sớm hôm hay tối muộn, ông đều có mặt để hỏi han và cổ vũ động viên. Chuyện anh em trong đội bóng, đội văn nghệ ăn gì “chống đói” để luyện tập và thi đấu cũng đều được “ông bầu” sốt sắng quan tâm. Thành tích của đội văn nghệ, những chiếc cúp vô địch của đội bóng đá đều có dấu ấn chỉ đạo của ông.
Tròn 20 năm gắn bó với Báo An ninh Thủ đô, cùng với Đại tá Đào Lê Bình - nguyên Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô và nhiều đồng chí lãnh đạo khác trong Ban biên tập, Đại tá Vũ Kim Thành đã góp phần làm nên “linh hồn” cho tờ báo bởi sự tâm huyết mà ông dành cho công việc cùng sự chân thành và cả tấm lòng luôn sẵn sàng sẻ chia với mọi người.
Đại tá Vũ Kim Thành thổ lộ, những ngày đầu khi mới về nhận nhiệm vụ ở Báo An ninh Thủ đô, ông cũng như Đại tá Đào Lê Bình từng nói với nhau rằng mong sao anh em An ninh Thủ đô sau này có thể ra nước ngoài cũng gửi tin về nhoay nhoáy, tin bài được dịch ra từ nhiều thứ tiếng rồi xuất bản, cùng rất nhiều mong ước khác nữa.
Tất cả cho tới giờ đều đã thành hiện thực. Và ông tin rằng, trong chặng đường tương lai phía trước, dẫu còn có nhiều khó khăn thách thức, Báo An ninh Thủ đô - nơi ông vẫn xem là ngôi nhà thứ hai của mình sẽ còn làm được nhiều điều hơn thế.