“Bắt mạch” đúng thể trạng

ANTĐ - Càng gần đến cuối năm, giai đoạn nước rút hoàn thành các chỉ tiêu phát triển, kinh tế - xã hội năm 2013, nền kinh tế càng có những chuyển động tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua cao hơn cùng kỳ năm 2012 (5,14% so với 5,1%), mức tăng dần từ quý I là 4,76%, quý II đạt 5% và quý III lên mức 5,5%. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế đạt được ở cả ba nhóm ngành: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến đã chậm lại, từ 19,9% tháng 2-2013 xuống còn 9,3% tháng 9 vừa qua. 

Trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,2-5,3% GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư. Đặc biệt, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến đánh giá về báo cáo kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã nghe và thảo luận bản báo cáo này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã nhận định, tái cấu trúc là một quá trình lâu dài, phức tạp; các chính sách vừa phải xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa chú ý đến các vấn đề cơ bản, lâu dài. Tuy vậy, những kết quả bước đầu đạt được về tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được ghi nhận. Kinh tế vĩ mô đã được ổn định, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011, xuống 6,81% năm 2012 và khoảng 7% năm 2013.

Việc cắt giảm số vốn và số dự án đầu tư công, cung tiền và tín dụng được kiểm soát; từng bước và dứt khoát xóa bỏ bao cấp về giá than, điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục. Kết quả trên chứng tỏ Chính phủ quyết tâm thực hiện cam kết mạnh mẽ việc chấm dứt tăng trưởng theo chiều rộng, thức đẩy mô hình tăng trưởng chiều sâu có chất lượng. Việc tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đạt được một số kết quả. Dưới góc độ của một số chuyên gia, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong tái cơ cấu đầu tư công việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết. Song, việc giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này chưa hẳn đã tốt vì hiện chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản vốn này. Vấn đề đặt ra là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư, trong đó có đầu tư từ ngân sách, chứ không chỉ giảm số lượng. Chi cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia là rất cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, việc duy trì tỷ lệ chi đầu tư phát triển quá thấp sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, qua kết quả điều tra 700 doanh nghiệp có 23,5% số doanh nghiệp đánh giá đề án đạt hiệu quả thấp, 53% cho rằng hiệu quả trung bình. 

Chính phủ nhìn nhận, tiến độ tái cơ cấu kinh tế và 3 lĩnh vực trọng tâm còn chậm, chưa có những thay đổi đột phá tạo động lực cho nền kinh tế thực sự khởi sắc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần nhận diện, “bắt mạch” đúng thể trạng nền kinh tế thì mới có liệu pháp đúng và trúng.