Bắt đầu từ gốc

ANTĐ - Tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước là một trong ba mũi nhọn đột phá đã được Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa XI xác định.

Tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước là một trong ba mũi nhọn đột phá đã được Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa XI xác định. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chỉ số quan trọng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010-2011 đã bị tụt từ 10-20 bậc so với năm 2009. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, sức cạnh tranh yếu đi có nghĩa là người “sắm vai” chính không được khỏe mạnh, không đảm đương tốt “trụ cột” của cả nền kinh tế. Không phải đến lúc này nước ta mới đặt vấn đề cải cách, đổi mới, tái cơ cấu khu vực này.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được coi là “xương sống” của toàn bộ nền kinh tế, gắn chặt với đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta. Từ năm 1992, Việt Nam đã khởi động tiến trình sắp xếp, cải cách DNNN thông qua các biện pháp như giao bán khoán, cho thuê, giải thể và cổ phần hóa. Gần 20 năm sau vấn đề này lại càng trở lên “nóng” hơn bao giờ hết.

Trong các bản tham luận của hầu hết các diễn giả, và các ý kiến thảo luận của các chuyên gia kinh tế tại một hội thảo về thực trạng kinh tế Việt Nam, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới tổ chức, đều khẳng định phải sớm tái cấu trúc DNNN và coi đây là một đòi hỏi cấp bách, không thể trì hoãn. Nhìn vào nguồn lực của DNNN thực là “đáng nể mặt”: nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại; 50% vốn đầu tư của nhà nước và 70% nguồn vốn ODA. Tổng vốn chủ sở hữu của 21 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước (không kể Vinashin) lên tới 540.701 tỷ đồng.

Đúng là một “quả đấm thép”, song sức mạnh to lớn ấy mang lại được gì? Tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ được 37-39%, tạo công ăn việc làm cho 4,4% tổng số lao động, đặc biệt tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân 10-14%. Nên nhớ là trong phần đóng góp của DNNN vào GDP, thì gần một nửa là “ăn” vào khai thác tài nguyên đất nước như dầu khí, than, khoáng sản. Cũng không nên quên rằng, nhiệm vụ của DNNN không chỉ là kinh doanh mà còn được trao thêm nhiệm vụ chính trị và xã hội với sứ mệnh mở đường; hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Trao cho DNNN vai trò chủ đạo, ngoài khả năng kinh doanh thuần túy, còn “gánh” thêm các nhiệm vụ khá nặng nề, quả thật là “quá tải” tạo thêm gánh nặng trên vai cho khu vực kinh tế này. Hơn thế còn “đẻ” ra nhiều bất cập cho cả nền kinh tế, rõ nhất là vấn đề phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia kém hiệu quả. Nó cũng tạo ra sự thiếu cân bằng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và kìm hãm khả năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Viện trưởng Viện Chiến lược nghiên cứu chính sách đã khái quát chặng đường 20 năm đổi mới DNNN trong một câu: “Cải cách DNNN thời gian qua thiên về tách, nhập, giải thể, cổ phần hóa, thành lập mới” tức là chủ yếu thay đổi mô hình, chưa đổi thay cung cách quản lý, tạo ra động lực.

Tái cấu trúc DNNN phải bắt đầu từ gốc, có nghĩa là nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, mà phải để cho khu vực tư nhân làm. Nhiệm vụ của DNNN là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ chế để đặt DNNN vào môi trường cạnh trạnh thực sự. Muốn vậy dứt khoát phải xóa bỏ mọi ưu tiên, ưu đãi cho DNNN. Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phải xóa bỏ hình thức cho vay, cấp tín dụng cho DNNN theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước, buộc DNNN phải dựa vào sức lực của chính mình, bằng “sức khỏe” tài chính và hiệu quả của bản thân. Việc tái cấu trúc không dễ dàng bởi nó nằm trong tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước.