Bảo vệ công ty kiểm tra điện thoại của nhân viên là hành vi trái pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi đang làm việc tại một công ty sản xuất thiết bị điện tử. Theo quy chế của công ty, nhân viên không được mang theo điện thoại thông minh khi làm việc, trừ một số vị trí đặc biệt. Tuy nhiên, với những cá nhân được mang điện thoại vào, khi ra về sẽ bị nhân viên bảo vệ kiểm tra với lý do bảo mật kinh doanh hoặc xem họ có sử dụng điện thoại trong khi đang làm việc không nhằm kiểm soát việc nhân viên thiếu tập trung, giảm năng suất. Xin luật sư cho biết, theo quy định hiện hành, điều này có vi phạm quyền riêng tư của người khác? Lê Hồng Loan (Bắc Ninh)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Điện thoại là một trong những thiết bị điện tử lưu trữ nhiều thông tin cá nhân (kể cả những bí mật đời tư không muốn cho ai biết). Theo Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, mỗi cá nhân đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nêu rõ, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Như vậy, có thể thấy việc thu giữ, kiểm tra, kiểm soát điện thoại (ngoài ra còn có thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác) của một cá nhân sẽ không được phép thực hiện nếu không được cá nhân này đồng ý; trừ một số trường hợp theo quy định pháp luật (thông thường sẽ phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).

Nếu bảo vệ công ty kiểm tra điện thoại khi không có sự đồng ý của nhân viên là hành vi trái pháp luật vì hành vi này đã xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của nhân viên. Trong trường hợp này, cá nhân bị kiểm tra điện thoại có thể liên hệ với Công đoàn về việc mình bị công ty kiểm tra điện thoại khi không có sự đồng ý để phía Công đoàn hỗ trợ giải quyết. Nếu Công đoàn không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng có thể khiếu nại vụ việc lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Việc thu thập thông tin bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (Ảnh minh họa)

Việc thu thập thông tin bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nếu hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của công ty gây thiệt hại thì người bị thiệt hại còn có thể nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ công ty. Tuy vậy, pháp luật hiện hành cũng nêu rõ, trong một số trường hợp nhất định, cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của một người.

Cụ thể, trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng có quyền khám đồ vật, trong đó có điện thoại di động. Tuy nhiên, việc khám này chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng, trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong vụ án hình sự, theo quy định tại khoản 2, Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc khám xét dữ liệu điện tử (có trong điện thoại) chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong đó có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan vụ án. Song trong cả hai trường hợp này, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp vụ việc. Các dữ liệu khác thuộc về bí mật cá nhân của người sở hữu tài sản phải được đảm bảo, tôn trọng và bảo vệ bí mật tuyệt đối. Đồng thời, mọi trường hợp khám xét đều phải được lập biên bản.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922.