Hàng loạt ngân hàng ăn 'quả đắng' vì những màn kịch của cặp đôi lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nắm được nhu cầu vay vốn của nhiều cá nhân, Thuấn và đồng bọn yêu cầu họ chuyển giao "sổ đỏ" để thế chấp. Ngay sau đó, cặp đôi này thuê người đóng giả chủ đất cùng giấy tờ giả thực hiện giao dịch và chiếm đoạt tiền ngân hàng.

Lập văn bản giả ngay tại phòng công chứng

Ngày 8-11, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Đức Thuấn (SN 1968, trú ở phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và Đỗ Thị Hương (SN 1972, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Phùng Đức Thuấn từng có tiền án về tội "Buôn bán hàng cấm" (năm 1996) và tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm" (năm 2006).

Mặc dù đưa cặp đôi lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt ngân hàng ra xét xử, nhưng phiên tòa đã phải trì hoãn ngay khi khai mở. Lý do bởi một trong các luật sư tham gia tố tụng vắng mặt và gửi đơn xin hoãn phiên tòa; một số bị hại vắng mặt và đại diện Viện kiểm sát đề nghị triệu tập đại diện một số văn phòng công chứng...

Cặp đôi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Cặp đôi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Cáo trạng thể hiện, từ năm 2016-2019, Phùng Đức Thuấn và Đỗ Thị Hương dùng thủ đoạn cho nhiều người vay tiền và yêu cầu họ phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Sau đó, cả hai thuê người làm CMND giả của các chủ đất để ký hợp đồng chuyển nhượng tại các văn phòng công chứng với mục đích cho Thuấn, Hương hoặc người mà các bị cáo thuê hoặc nhờ. Các bị cáo dùng giấy tờ giả để thế chấp, chiếm đoạt tiền của các ngân hàng hoặc cá nhân.

Một trong những vụ lừa là việc các bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 1,2 tỷ đồng của VPBank. Theo đó, do cần tiền nên vợ chồng chị Lê Thu Hà (SN 1976, ở Hà Nội) đã gặp Thuấn tại Văn phòng Công ty CP quốc tế Hà Nội Plaza (do Thuấn làm phó giám đốc ) để vay 100 triệu đồng và thế chấp "sổ đỏ" mang tên Trần Thị Mây (mẹ chồng chị Hà).

Thuấn bàn với Hương làm hồ sơ giả về việc phân chia thừa kế, rồi lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trên cho Hương. Qua các mối quan hệ, Thuấn tìm một người phụ nữ khoảng 60 tuổi để đóng giả bà Mây.

Thực hiện màn kịch này, Thuấn đưa người “giả mạo” bà Mây đến văn phòng công chứng lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất cho Hương.

Sau đó, Hương làm thủ tục để được cấp "sổ đỏ" mang tên mình. Ngày 20-12-2017, Hương mang hồ sơ đến vay vốn ngân hàng hơn 5,9 tỷ đồng với mục đích mua bất động sản.

Sau khi ngân hàng giải ngân, chị Hà phát hiện việc làm sai trái của Thuấn và Hương. Hiện, các bị cáo mới trả ngân hàng 4,7 tỷ đồng và còn chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2016, Thuấn mua được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân với giá 15 triệu đồng mang tên ông Trần Tuấn Hải.

Thuấn và Hương lên mạng internet thuê người làm giả CMND của ông Hải, thuê người đóng giả vợ chồng ông Hải rồi chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Đoàn Hồng Kỳ (do Hương nhờ đứng tên trên hợp đồng). Sau đó, các bị cáo tiếp tục nhờ ông Kỳ ký hợp đồng tín dụng và cắm "sổ đỏ" trên để vay VPBank 2,8 tỷ đồng.

Chủ nhà không hề ký, nhưng đất vẫn bị sang tên

Hồ sơ vụ án còn thể hiện, Thuấn “qua mặt’ chủ nhà để làm liều. Cụ thể, năm 2017, Thuấn thuê nhà của ông Ngô Diên Tập (SN 1946, ở Hà Nội). Ông Tập vay Thuấn 300 triệu đồng. Đổi lại, Thuấn yêu cầu ông Tập đưa "sổ đỏ" căn nhà. Thuấn cam kết với chủ nhà là không mua bán, chuyển nhượng căn nhà trên.

Tuy nhiên vài ngày sau, Thuấn và Hương thuê người làm giả CMND của vợ chồng ông Tập, rồi thuê người đóng giả để ông Tập để chuyển nhượng nhà đất trên cho ông Vũ Quốc Hoàn. Các bị cáo làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm "sổ đỏ" trên vay vốn Ngân hàng Công thương Việt Nam 2,8 tỷ đồng.

Khi phát hiện ra vụ việc, ông Tập rất bất ngờ vì không biết Thuấn làm cách nào để sang tên nhà đất, rồi thế chấp vào ngân hàng. Nạn nhân làm đơn tố cáo hành vi của Thuấn và yêu cầu bị cáo trả lại "sổ đỏ" cho mình.

Tổng cộng Thuấn và Hương đã cùng nhau thực hiên 17 phi vụ lừa đảo bằng thủ đoạn trên. Cơ quan tố tụng xác định, Thuấn và Hương đã chiếm đoạt số tiền hơn 47,5 tỷ đồng của 8 ngân hàng và 2 cá nhân. ­­­­­­

Cơ quan điều tra đã thu được các bản photocopy CMND giả, văn bản, hợp đồng chuyển nhượng đất do Thuấn và Hương thuê người làm giả với giá 5 triệu đồng/ tài liệu. Tổng cộng, Thuấn và Hương bàn bạc, thỏa thuận làm giả 33 tài liệu các loại. Trong đó, Thuấn và Hương cùng làm 17 tài liệu, Thuấn làm giả 16 tài liệu và Hương làm giả 1 tài liệu.

Đối với công chứng viên liên quan, quá trình thực hiện, mặc dù các bên chuyển nhượng ký hợp đồng chuyển nhượng công chứng tại nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau nhưng lời khai của công chứng viên không thể hiện đầy đủ.

Tài liệu thu thập thể hiện, Thuấn và Hương làm giả CMND của bên chuyển nhượng để làm thủ tục công chứng. Khi tiến hành công chứng, hai bị cáo đưa người để giả mạo chữ ký, chữ viết của các chủ đất. Công chứng viên đối chiếu dấu vân tay trên hợp đồng chuyển nhượng và CMND trùng khớp nên làm lời chứng cho các hợp đồng chuyển nhượng.

Thuấn và Hương không thỏa thuận, bàn bạc với công chứng viên nên không có căn cứ xác định các công chứng viên đồng phạm với cặp đôi lừa đảo.

Về những người được Thuấn, Hương nhờ đứng tên, xác định họ không bàn bạc, thỏa thuận với các bị cáo nên không có căn cứ xử lý.

Với cán bộ ngân hàng, khi làm thủ tục thẩm định, Thuấn và Hương đưa các cán bộ thẩm định đến tài sản thế chấp và giới thiệu với các chủ nhà để thực hiện việc định giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của họ.

Vì vậy, chủ nhà không biết các bị cáo làm giả hợp đồng để thế chấp nhà cho ngân hàng. Các báo cáo định giá tài sản đều có bản ảnh hiện trạng tài sản. Hương và Thuấn không bàn bạc, thỏa thuận với cán bộ ngân hàng nên xác định họ không đồng phạm và không vi phạm quy định cho vay.