Bão số 14 đang tiến sát bờ, Bắc bộ bắt đầu mưa gió lớn

ANTĐ - Bão số 14 đang tiến sát bờ, các tỉnh ven biển vùng tâm bão như Thái Bình, Hải Phòng mưa gió đang mạnh dần lên, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ).

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định) giật cấp 8, Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Bắc bộ mưa đang tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ 58mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 37mm...

Hồi 20h ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc Bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 11-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13.

Ở khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Đông Bắc bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.


Bão số 14 đang tiến sát bờ, Bắc bộ bắt đầu mưa gió lớn ảnh 1
Sóng lớn phá hủy bờ kè khu du lịch Đồ Sơn 


Tại Hà Nội, càng về khuya, mưa càng to, gió mạnh hơn. Ngay trong ngày 10-11, Thành đoàn Hà Nội cũng đã huy động 1.200 thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh cấp thành phố, sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa, bão, trước mắt từ ngày 10-11 đến ngày 13-11.

1.200 thanh niên tình nguyện sẽ được chia làm 7 ca trực từ 12h trưa 10-11 đến hết ngày 13-11, mỗi ca trực có từ 250 đến 300 tình nguyện viên – những tình nguyện viên đã được tổ chức tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản để ứng phó với các tình huống trong mưa bão và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão thành phố.

Tại Thái Bình: Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Thái Thụy và thành phố Thái Bình phối hợp với Bộ đội biên phòng và các lực lượng khác đã di dời 3.914 lao động trên 3.252 chòi nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, 3.252 người dân sinh sống ở ngoài đê chính, trong các nhà xung yếu vào nơi trú bão an toàn. Các trụ sở cơ quan, trường học, nhà cao tầng được trưng dụng để làm nơi tránh, trú bão.

Lúc 22h10, tại địa bàn xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải – Thái Bình có mưa to, gió lớn. Người dân đều ở trong nhà, còn bên ngoài gió rít liên hồi. Cả khu vực chìm trong bóng tối do mất điện, không một bóng người qua lại.

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho 730.000 học sinh từ bậc học mầm non đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh được nghỉ học trong ngày 11-11 để tránh mưa bão.

Quảng Ninh đã di dời 1.000 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm và sẽ tiếp tục triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 14. Đến khoảng 21h, khu vực huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rải rác, gió mạnh dần lên cấp 6 cấp 7; giật cấp 8, cấp 9. Chính quyền huyện đảo Cô Tô đã huy động mọi lực lượng để ứng phó với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. 

Nam Định đã di dời 50.000 hộ dân với gần 220.000 người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Các đoạn đê biển xung yếu cũng đã được địa phương khẩn trương gia cố. Đến 20h ngày 10-11, ở khu vưc đê biển Quất Lâm chỉ còn khoảng 50 người còn bám trụ để trông coi ở các cửa hàng kinh doanh và nhà nghỉ, khách sạn.

Tại Hải Phòng, mưa to xuất hiện trên diện rộng, gió rất lớn, đường phố mịt mù, vắng người qua lại.