Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với tổng diện tích đất dành cho 15 khu kinh tế là 662.249 ha, nhiều địa phương đặt mục tiêu thu hút vốn ở mức 40 tỷ đồng, thậm chí 60-70 tỷ đồng/ha, là mức rất khó đạt, nếu không nói là ảo tưởng trong bối cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách đang bị thắt chặt. Bộ Xây dựng thừa nhận, trên cả nước mọc lên quá nhanh, quá nhiều các khu kinh tế, quy mô quá lớn, kéo theo nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối của ngân sách quốc gia, dẫn đến lãng phí đất đai, nguồn lực. Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học-Công nghệ của Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế năng động, thúc đẩy phát triển, tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư nước ngoài hoàn toàn đúng hướng.
Có lẽ vì quan niệm rằng, chủ trương đúng đắn thì càng phát triển càng giúp cho chủ trương đúng hơn, nên các khu công nghiệp, khu kinh tế đua nhau thành lập mà không cần biết hậu quả, tương lai ra sao. Đã có không biết bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bị bỏ hoang chỉ vì cuộc chạy đua này. Ngay ở Hà Nội, được xem là một trong những nơi giá đất cao vào loại nhất thế giới, thì số khu công nghiệp đi vào hoạt động chỉ khoảng một nửa. Tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện có 51 khu công nghiệp và khoảng 200 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất lên đến 25.000 ha. Song, đến nay diện tích đất cho thuê chỉ đạt 20%, hầu hết các khu trong tình trạng quy hoạch treo, dự án treo nhiều năm hoặc triển khai ì ạch. Hiện cả nước có tới 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ là 46% và tổng số vốn đăng ký đầu tư mới đạt 32%.
Thử làm một con tính đơn giản: 1 ha đất sạch khu công nghiệp giao cho chủ đầu tư có chi phí 3,5-4 tỷ đồng, thì với hàng chục nghìn hecta đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đang để cỏ mọc hoang, các địa phương phung phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể đời sống người dân đang gặp vô vàn khó khăn do vướng mắc quy hoạch treo. Cái giá phải trả cho đầu tư theo phong trào trong ngành sắt thép, xi măng, mía đường không kém phần “cay đắng”. Năm 2013, xi măng dư thừa phải xuất khẩu 14 triệu tấn, nhưng giá chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lỗ hàng nghìn tỷ đồng, không thể trả nợ. Hơn thế, 16 dự án xi măng vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 1,365 tỷ USD, mới hoạt động đã nhìn thấy rõ thua lỗ. Riêng 4 dự án “chết treo” dư nợ 228,75 triệu USD phải “nhờ” Bộ Tài chính oằn lưng giúp.
“Hội chứng” khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển hoặc “hội chứng” xi măng, sắt thép, mía đường, bia… đã được giới chuyên gia cảnh báo từ lâu. Nếu không có giải pháp quyết liệt và căn cơ, thì chưa biết bao giờ mới hết tình trạng lãng phí ở một nước nghèo không dư dả tiền của như Việt Nam.