Bao giờ có trường mới?

ANTĐ - Hơn 10 năm nay, gần 400 học sinh và hàng chục giáo viên của trường Mầm non xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải “nhờ” dãy nhà cấp 4 nằm trong khu di tích đình chùa Vân Chì làm nơi học tập và giảng dạy. Và câu hỏi bao giờ có trường mới không biết khi nào mới có câu trả lời.

Các dãy phòng học nằm trong khuôn viên đình chùa Vân Chì đã xuống cấp


Nhiều thứ thiếu…

Ngồi trên xe, một chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thạch Thất lý giải cho sự nhộn nhịp mà theo chúng tôi rất hiếm tìm thấy ở một xã nằm cách xa trung tâm Hà Nội đó là Hữu Bằng có rất nhiều cái nhất: “Xã đông dân nhất, dân buôn bán nhiều nhất, giàu nhất và đất ở đây cũng đắt chẳng kém gì nội thành Hà Nội. Vậy mà nhiều năm nay xã vẫn chưa có một ngôi trường mầm non thực thụ”.

Trong khuôn viên di tích đình chùa Vân Chì - di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cô Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường Mầm non Hữu Bằng ái ngại: “Các chị thông cảm, do nhà trường phải mượn tạm khu di tích làm nơi học tập và sinh hoạt cho các con nên cơ sở vật chất vẫn chỉ là tạm thời”. Mặc dù, nơi sinh hoạt của các cháu không chật chội như một số trường mầm non trong nội thành, nhưng về cơ sở vật chất thì thiếu thốn đủ bề. Cũng bởi ngôi chùa đã trải qua hàng trăm năm tuổi, các dãy nhà được lấy làm phòng học đã trở nên quá cũ theo thời gian. Phần lớn các lớp học đều thiếu ánh sáng, thậm chí rất nóng nực trong những ngày hè. Cả 3 khu vệ sinh thì chỉ có duy nhất 1 khu là rộng rãi, 2 khu còn lại diện tích khá hẹp. Có thể nhận thấy, các khu vệ sinh này được nhà trường cho dọn dẹp khá sạch sẽ và được bố trí một thùng nước lớn để tiện cho việc làm sạch nhưng hoàn toàn không có hệ thống tự hoại.

Sẽ xây dựng trường mới

Được biết, trước kia khu nhà tạm thuộc khu đình chùa Vân Chì này được dùng chung cho cả cấp mầm non và tiểu học. Nhưng sau khi cấp tiểu học có khu trường mới thì toàn bộ cơ sở ở đây được dùng để phục vụ cho cấp học mầm non.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thạch Thất cho biết: “Khó khăn về cơ sở vật chất không chỉ tồn tại ở riêng trường Mầm non xã Hữu Bằng mà còn ở nhiều xã lân cận. Việc học sinh đi đại tiện vào bô rồi cho vào túi nilon đem đi chôn lấp vào cuối ngày, đảm bảo vệ sinh trong trường học theo quy định của ngành y tế là biện pháp duy nhất trong khi chờ trường mới được xây dựng.

Cũng liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Ngày 16-8, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về làm việc với xã Hữu Bằng bàn phương án xây dựng trường mầm non, đã thống nhất về vị trí, diện tích, lập dự án đầu tư xây dựng. Trong năm 2012, huyện sẽ tập trung cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng khu Trung tâm trường với diện tích khoảng 6.000m2 đảm bảo đủ các phòng học, công trình phụ trợ đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục về lập dự án đầu tư xây dựng, thủ tục thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giải phóng mặt bằng để công trình trường Mầm non xã Hữu Bằng khởi công trong thời gian sớm nhất”.

Có thể thấy, đầu tư cho giáo dục, nhất là cho những năm đầu đời của trẻ là điều vô cùng cần thiết. Với một xã đông dân như Hữu Bằng thì việc tồn tại một trường mầm non có số lượng học sinh đông, nhưng lại phải đi mượn tạm địa điểm để làm nơi bố trí phòng học cho thầy và trò về lâu dài cần phải được các ngành, các cấp quan tâm sát sao hơn nữa. Có như vậy, mới giải quyết được những trăn trở của nhà trường và chính quyền địa phương đã tồn tại từ nhiều năm nay.