Bằng cấp không phải là tất cả

(ANTĐ) - Thời gian qua dư luận hết sức bức xúc trước nạn học giả - bằng thật tràn lan. Việc chuẩn hóa cán bộ về trình độ văn hóa, bằng cấp là cần thiết để bộ máy Nhà nước, đặc biệt là ở cấp cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Bằng cấp không phải là tất cả

(ANTĐ) - Thời gian qua dư luận hết sức bức xúc trước nạn học giả - bằng thật tràn lan. Việc chuẩn hóa cán bộ về trình độ văn hóa, bằng cấp là cần thiết để bộ máy Nhà nước, đặc biệt là ở cấp cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Vì cán bộ có trình độ, năng lực sẽ bớt đi tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, thủ tục hành chính đỡ rườm rà, đỡ hành dân. Một thông tin vừa được công bố cho thấy thực tế trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở của ta vẫn còn 253 cán bộ không biết chữ.

Không biết chữ mà làm “quan”? Đúng là chuyện khôi hài khiến người có tâm huyết với sự phát triển của xã hội cho dù muốn cười cũng không thể cười nổi.

Nhưng không vì thế mà xã hội lại chấp nhận, hoặc du di cho nạn học giả - bằng thật để rồi tạm yên lòng hoặc mơn trớn với nhau để sống trong ảo tưởng là hầu hết cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước đã được “chuẩn hóa”.

Cán bộ học giả mà có bằng thật nguy hiểm hơn là cán bộ làm thật mà không có bằng. Đất nước ta trải qua cuộc chiến tranh kéo dài, khi thống nhất, những người nông dân, thậm chí cả công nhân và trí thức có người học chưa xong bậc Đại học.

Thời gian không cho phép, và cả tuổi đời cũng không cho phép họ được đi học lại, hoàn tất chương trình đã học dở dang theo hệ chính quy. Tranh thủ lắm thì học tại chức, mà đâu phải vị nào cũng học tốt khi công việc ở cơ quan là một áp lực nặng nề.

Số người này làm việc bằng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nội tại nếu bây giờ “chuẩn hóa” họ bằng bằng cấp văn hóa, ngoại ngữ, vi tính thì e rằng ít có ai theo nổi.

Nhưng nếu muốn tiếp tục làm việc thì phải học, học không vào thì phải chạy bằng, thế là lâm vào cảnh học giả - bằng thật. Như vậy là Nhà nước ép họ làm sai chứ bản thân họ có khi không muốn làm sai. Thiết nghĩ chúng ta cần nhìn rõ hai mặt của một vấn đề bằng cấp để có cách ứng xử sao cho hợp lý.

Tất nhiên xã hội không dung túng cho những kẻ chây ỳ, tuổi còn trẻ, sức lực còn dài mà không chịu học để nâng cao trình độ, kiến thức, văn hóa, kể cả ngoại ngữ và vi tính.

Xã hội lại càng lên án những kẻ vì muốn được thăng quan, tiến chức, nâng lương, nâng bậc mà “chạy bằng” vì nếu làm quan mà không có thực tài, bằng cấp ảo thì ông quan ảo đó sẽ là một nguy cơ, sẽ xảy ra những chuyện khó lường.

Nhưng cũng không vì quá chạy theo bằng cấp mà cho bằng cấp để mở mọi cánh cửa. Nếu chừng nào vấn đề này được nhìn ở góc độ mới, không có sự khiên cưỡng, và với một tư duy mới, mang tính thực tiễn của cuộc sống thì thiết nghĩ vấn nạn học giả - bằng thật sẽ tự nó bị triệt tiêu.

Từ Vân