Bản trường ca hùng tráng của người Việt

ANTĐ - Ban nhạc rock Bức Tường vừa ra mắt album “Đất Việt”, sau 17 năm phác thảo. Chỉ có ngọn lửa âm nhạc được kiên trì thắp sáng qua hơn một thập kỷ, Bức Tường mới đủ sức làm nên sản phẩm âm nhạc có sức nặng, một bản trường ca hùng tráng của người Việt. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc  trò chuyện cùng thủ lĩnh của ban nhạc Bức Tường, nhạc sỹ Trần Lập.

Bản trường ca hùng tráng của người Việt ảnh 1Đĩa CD “Đất Việt”

- PV: Được biết, album “Đất Việt” từng được đặt tên là “Bức Tường - 20”. Con số ấy có ý nghĩa như thế nào, thưa nhạc sỹ?

- Nhạc sỹ Trần Lập: Bức Tường là ban nhạc rock “cao niên” nhất trong làng rock Việt nhưng sự  nhiệt huyết thì không hề thua kém các ban nhạc trẻ khác. Ban đầu, các thành viên ban nhạc định đặt tên album là “Bức Tường - 20” vì chỉ đơn giản nghĩ mình chơi nhạc đã 20 năm rồi nhưng vẫn sung sức nhiệt huyết như tuổi 20 vậy.

- Như lời giới thiệu, “Đất Việt” là bản trường ca hùng tráng của người Việt. Anh có thể giải thích điều này?

- Các ca khúc trong “Đất Việt” do tôi sáng tác là câu chuyện về người Việt từ thuở khai thiên lập địa, một cuộc sống bình yên, ngập tràn yêu thương, nhưng cũng có những lúc phải cầm cây giáo, cây cung sẵn sàng hy sinh để gìn giữ từng tấc đất của tổ tiên. Những tác phẩm khác trong album còn cho thấy “Đất Việt” không chỉ có vẻ đẹp tươi sáng hay bao la hùng vỹ, còn cả những góc tăm tối trong đời sống thực tại, còn cả những con sóng bất tận, những men say nao lòng người, những ước mơ bỏng cháy, tình yêu tuổi trẻ…

- Trước thời điểm “Đất Việt” ra mắt, Trần Lập đã tạo nên sự ồn ào khi đứng đơn kiện Công ty VNG, đơn vị chủ quản của trang nhạc trực tuyến Zing MP3 nhưng rồi lại… rút đơn kiện. Đó có phải là cách gây sự chú ý của anh với người nghe nhạc?

- Tôi đã gửi đơn kiện cách đây hơn 1 năm nhưng thời điểm tòa thụ lý vụ việc lại  đúng vào thời điểm chuẩn bị ra mắt album “Đất Việt”. Sự việc ồn ào vừa diễn ra hoàn toàn nằm ngoài toan tính của ban nhạc Bức Tường. Khi gửi đơn kiện, tôi chỉ muốn thể hiện quan điểm và đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà Bức Tường được hưởng. Nhưng Zing đã kịp sửa sai nên như các cụ vẫn nói “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, tôi đã rút đơn kiện để hướng đến sự hợp tác, phát triển lâu dài trong âm nhạc.

- Là ban nhạc “già “nhất của làng rock Việt, Bức Tường sẽ làm gì để cuốn hút các khán giả trẻ?

Bản trường ca hùng tráng của người Việt ảnh 2Khán giả hâm mộ ban nhạc rock Bức Tường

- Tôi đã rất hạnh phúc khi một khán giả thuộc thế hệ 10X tiết lộ, nghe không sót một bài hát nào của Bức Tường. Điều đó cho thấy, Bức Tường đã đi đúng hướng khi kết hợp rock và âm nhạc dân gian truyền thống. Âm hưởng nhạc dân gian đã đi vào các tác phẩm nổi tiếng như Người đàn bà hóa đá, Bài ca sông Hồng và ngay cả với Đất Việt cũng vậy. Chúng tôi luôn chú trọng bản sắc Việt trong dòng nhạc rock và đặc trưng văn hóa bản địa trong rock đã giúp Bức Tường có phong cách riêng, không bị trộn lẫn với các ban nhạc rock quốc tế. 

- 20 năm đồng hành cùng rock, Bức Tường thấy mình còn thiếu điều gì?

- Bức Tường hiện nay thiếu nhất là tiền. Các thành viên ban nhạc cần tiền để mua nhà, mua xe, đầu tư thiết bị phòng thu hiện đại và không phải làm các công việc khác mà chỉ tập trung cho âm nhạc. Nên chúng tôi rất cần sự ủng hộ và giúp đỡ của người hâm mộ để các nghệ sỹ nhạc rock sống được bằng nghề. 

- Năm 2013, Trần Lập ra mắt tự truyện, năm 2014, anh và Bức Tường ra mắt album “Đất Việt”, vậy đến năm 2015, khán giả liệu có tiếp tục được đón nhận thêm một sản phẩm văn hóa không, thưa nhạc sỹ Trần Lập?

- Bức Tường là ban nhạc làm việc không ngừng nghỉ. Chúng tôi luôn tất bật với nhiều dự án âm nhạc, các hoạt động biểu diễn. Tôi và các thành viên ban nhạc vẫn luôn  lặng lẽ thực hiện các kế hoạch trong âm nhạc. Sự âm thầm chuẩn bị đồng nghĩa với việc chúng tôi tôn trọng khán giả. Bức Tường không phải ban nhạc siêu đẳng nhưng bằng sự tâm huyết, chúng tôi sẽ mang tới cho người nghe nhạc những sản phẩm có chất lượng.