Bàn luận về tục thờ thần, thành hoàng của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội lục", các diễn giả đã trao đổi một số vấn đề về tục thờ thần, thành hoàng của người Việt.

Buổi tọa đàm có PGS. TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXHVN), TS. Trần Đoàn Lâm (Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Cố vấn CLB Đình làng Việt)

Tại đây, TS. Trần Đoàn Lâm cho biết, giống như các cư dân nông nghiệp khác trên thế giới, cư dân người Việt có tục thờ thần như thần cây, thần núi, thần sông... với những ước mong về sự phù trợ của các thế lực siêu nhân cho cuộc sống ấm no, nảy nở.

Còn về thần hoàng làng là một khái niệm mơ hồ. Có 1 số nhà nghiên cứu cho rằng, thành hoàng bắt nguồn từ Kinh dịch. “Thành hoàng” có nghĩa là cái hào bao quanh thành. Bằng cách nào đó, thành hoàng đã thành vị thần bảo vệ dân cư. Từ bảo vệ vua ở kinh thành đã về với các phủ, châu, làng xã. Cho đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được chính xác thời điểm nào, thờ thần hoàng làng lại lọt vào tín ngưỡng thờ bách thần của người Việt.

PGS.TS Trần Trọng Dương giới thiệu về cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội tụ"

PGS.TS Trần Trọng Dương giới thiệu về cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội tụ"

Theo phỏng đoán của TS. Trần Đoàn Lâm, có thể tín ngưỡng thờ thành làng xuất hiện cùng với việc Trung Hoa đô hộ Việt Nam trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc. Ở Hà Nội, thành làng đầu tiên là thần sông Tô Lịch. Và đình không phải là nơi đầu tiên thờ thần hoàng làng, mà chính là các công trình kiến trúc nhỏ hơn của làng xã như miếu, nghè, đền.

Việc phân loại và quản lý bách thần có thể đã được thực hiện từ các triều đại Lý, Trần, Lê nhưng các văn bản quản lý của Nhà nước còn tồn tại đến ngày hôm nay chỉ còn nhà Nguyễn. Triều đại này đã có những quy định chặt chẽ bằng việc phân loại thần thành 3 nhóm là thượng liệt, trung liệt, hạ liệt và các "dâm thần".

Tuy nhiên, khi đi điền dã, các nhà nghiên cứu trong nhóm Đình làng Việt đã nhận thấy, có nhiều tục hèm về các vị thành hoàng làng còn lưu truyền đến ngày hôm nay. Và sự tích về các vị thành hoàng làng cũng khá thú vị như đó là một người ăn mày, một kẻ cướp...

Vì vậy, theo TS Trần Đoàn Lâm, dù nhà nước đã có văn bản giao cho bộ lễ quản lý bách thần trong dân gian nhưng "phép vua thua lệ làng", không ít các vị thành hoàng làng không nằm trong danh mục quản lý vẫn được thờ tự tại các không gian của đình, đền, miếu của làng.

Về tài liệu còn tồn tại đến ngày hôm nay cho thấy sự quản lý của nhà nước về việc quản giám bách thần, PGS.TS Trần Trọng Dương chia sẻ, “Nam Việt thần kỳ hội lục” (được vua Gia Long lệnh cho biên soạn) ghi chép có tính hệ thống về các thần linh tại các địa điểm thờ tự ở miền Bắc. Trong khi, tất cả hồ sơ của Bắc Thành và Bộ Lễ xưa đều đã bị thiêu huỷ qua chiến tranh và thời gian, thì việc một tài liệu ghi chép chi tiết về quản lý bách thần của triều đình nhà Nguyễn còn tồn tại đến ngày này là vô cùng quý giá.

Cuốn sách khảo cứu và biên dịch của PGS.TS Trần Trọng Dương và Dương Văn Hoàn

Cuốn sách khảo cứu và biên dịch của PGS.TS Trần Trọng Dương và Dương Văn Hoàn

Theo PGS.TS Trần Trọng Dương, qua tài liệu này, thế hệ ngày nay có thể hiểu rằng, một ông vua như Gia Long, Minh Mệnh - những người được coi là thiên tử (con trời) không chỉ muốn quản lý chốn nhân gian tức là triều đình, thần dân mà còn muốn quản lý tất cả các thần linh, ma quỷ.

Trong khi, bề tôi văn võ trong triều được phân theo phẩm, trật, tước, hiệu thì thần linh trong cõi u minh cũng được phân hạng thượng – trung – hạ đẳng, với các chế độ lễ nghi, tế tự, tài vật tương ứng.

“Dương phù âm trợ” không phải là một câu nói ước lệ trong văn tế, hay sắc phong – thần tích, mà thực sự thể hiện bản chất của quyền lực hoàng đế. Tức là, các thần linh cũng được sắp xếp như là một “triều đình nơi âm giới”, và mỗi vị thần cũng chỉ như là các bề tôi trong cõi linh thiêng phục vụ cho ông hoàng đế chốn dương gian. Văn bản này phân thần làm 3 nhóm: thượng liệt, trung liệt, hạ liệt, và loại bỏ hơn 1.500 vị chưa đạt tiêu chuẩn và các “dâm thần”. Cho nên, việc sót lại một văn bản như "Nam Việt thần kỳ hội lục" là điều rất quý để hình dung về công việc “quản giám bách thần” của Bộ Lễ thời xưa", PGS.TS Trần Trọng Dương nói.

Vừa qua, NXB Đại học Sư phạm đã xuất bản cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội lục" của Trần Trọng Dương và Dương Văn Hoàn. Từ việc khảo cứu hơn 1000 vị thần linh, cũng như các địa danh thờ tự khắp ở miền Bắc trong giai đoạn từ thế kỷ 18-19, PGS.TS Trần Trọng Dương nhận thấy, mục đích của việc quản giám bách thần là gạt bỏ mê tín dị đoan, chủ trường giáo hóa (Nho giáo). Bởi dân gian thì có gì thờ nấy, sợ gì cúng nấy, dễ dẫn đến tà đạo.

Cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội lục" là một cơ hội để độc giả tìm hiểu về một lát cắt (dù chỉ là một phần) của hệ thống văn hoá tín ngưỡng Việt Nam vào cuối thế kỉ 18 − đầu thế kỉ 19.