Bản lĩnh chiến sĩ cầm bút trong dòng xoáy thế sự

ANTĐ - Giữa những ngày Biển Đông dậy sóng, muôn triệu trái tim hướng về biển đảo thân yêu, theo dõi từng ngày từng giờ tin tức từ vùng biển Hoàng Sa- nơi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta càng thấm thía khi đọc lại bài bình luận của nhà báo Hồ Quang Lợi “Về giấc mơ Trung Hoa” đăng trên Báo Nhân dân cách đây đúng một năm với những phân tích dự báo, nay càng thấy chính xác.

Những dự báo chính xác

Bài báo có đoạn: “Thực tế, trong công cuộc phục hưng đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa, chính sách tiến ra biển bằng sức mạnh, tìm kiếm, chiếm đoạt tài nguyên và các nguồn năng lượng mới đã tạo ra các cuộc xung đột, tranh chấp chủ quyền biển đảo rất căng thẳng với hầu hết các nước láng giềng, làm cho chủ thuyết “trỗi dậy hòa bình”, “thế giới hài hòa” của Trung Quốc khó có sức thuyết phục với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đang nóng lòng vươn lên chiếm lĩnh vị thế cường quốc thế giới. Nhưng chỉ khi Trung Quốc sống yên hòa với các nước trong cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước láng giềng, thì giấc mơ Trung Hoa mới thật sự trọn vẹn”. 

Bản chất của “cơn cuồng phong thế sự” mà Trung Quốc đang gây ra trên Biển Đông khiến thế giới bất bình và bất an chính là một bước leo thang nghiêm trọng trong mưu đồ độc chiếm vùng biển 3, 5 triệu km2 này. Làm sao có thể đạt được mục tiêu “Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp” vào giữa thế kỷ XXI như Tổng Bí thư Tập Cận Bình tuyên bố hùng hồn tại diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 8-4-2013 nếu Bắc Kinh cứ tiến hành chính sách gây hấn, bắt nạt các quốc gia láng giềng như họ đang làm hiện nay?

Đọc lại những bài bình luận của nhà báo Hồ Quang Lợi-cây bút chính luận hàng đầu trong làng báo Việt Nam đương đại - về Trung Quốc viết từ năm 2000 đến nay, trong đó, có những bài đặc sắc như Đối thủ - đối tác trên bàn cờ lớn (30-1-2000),  Định vị thế cuộc (21-10-2003), Cuộc chơi nhiều cạm bẫy (10-2-2006), Quan hệ Trung - Nhật sớm tan băng (15-4-2006),  Phép cân bằng lợi ích (20-3-2012), chúng ta càng thấy sự phân tích xác đáng của một tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, vạch ra những nhân tố chủ quan và khách quan của các bước nhảy vọt “dạng sóng” ở đất nước đông dân nhất thế giới và mối quan hệ chồng chéo phức tạp của các nước lớn trên bàn cờ quốc tế. Những dự cảm, tiên đoán đã được anh viết cách nay 13 năm, khi thế giới vừa bước vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI với chớp lửa của bạo lực, lại đang có nguy cơ diễn ra ở vùng biển Hoàng Sa của chúng ta. “Hiện thực đời sống quốc tế ngày hôm qua, hôm nay và có thể những ngày sắp tới vẫn tiếp tục phơi bày ra một nghịch lý lớn: hòa bình - điều quý báu nhất - lại là cái khó bảo vệ nhất. Và bài học chiến tranh - hòa bình - bài học cốt tử nhất, lại là bài học khó thuộc nhất”. 

Khi muôn triệu trái tim hướng về biển đảo

Những ngày này, “khi sóng Biển Đông trực tiếp dội vào Thủ đô Hà Nội” - như nhà báo Hồ Quang Lợi, với tư cách Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã nói -  Ban Tuyên giáo Thành ủy phân công lực lượng thường xuyên ứng trực để nắm tình hình, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý. Bản lĩnh kiên cường, nghị lực vượt khó, sự quyết đoán, linh hoạt trong suốt thời gian anh điều hành ngành tuyên giáo Thủ đô nay lại bừng cháy, tỏa sáng trong những ngày Biển Đông nổi sóng.

Trong tình hình phức tạp, các thế lực thù  địch muốn chống phá ta bằng nhiều thủ đoạn thâm hiểm, tinh vi, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ cốt yếu của người chiến sĩ trên mặt trận khó khăn và đầy thử thách này là thống nhất tư tưởng và hành động cho toàn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vừa thể hiện cao độ lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một địa bàn đặc biệt quan trọng và nhạy cảm như Thủ đô Hà Nội. Sự nhạy bén, kịp thời, quyết đoán của anh đã cho thấy hiệu quả ngay trên thực tế. Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đã được triển khai rất khẩn trương xuống tận từng tổ chức cơ sở đảng toàn thành phố. Sáng 17-5, trong một niềm xúc cảm đặc biệt của lòng yêu nước và tự hào dân tộc, đông đảo nhà báo, văn nghệ sĩ Thủ đô ngồi chật kín hội trường Cung thiếu nhi Hà Nội, nghiêm trang và hào hứng nghe anh nói chuyện về Biển Đông. 

Với phương châm: chủ động - nhạy bén - bài bản - hiệu quả, Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ tình hình, bình tĩnh, tin tưởng vào quan điểm, chủ trương và biện pháp giải quyết của Đảng và Nhà nước ta; chủ động đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái, không để kẻ xấu kích động, lôi kéo  người dân vào các hành động cực đoan, quá khích.  Các tầng lớp nhân dân đã thể hiện lòng yêu nước đúng cách, có nhiều hoạt động thiết thực và cảm động hướng về biển đảo, động viên, cổ vũ các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, ngư dân đang kiên cường bám trụ, kiên quyết đấu tranh đòi Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển nước ta. Thủ đô Hà Nội vẫn bình yên, vẫn là hình ảnh đẹp của một đất nước yêu hòa bình, môi trường đầu tư vẫn được bảo đảm với niềm tin cậy của các doanh nghiệp nước ngoài.  Có thể nói, việc giải quyết tốt những vụ việc như trên được xem như là cuộc sát hạch nghiêm khắc, thước đo khả năng ứng phó, chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực của guồng máy Thủ đô, trong đó có công tác tư tưởng - tuyên giáo. 

Hồ Quang Lợi nói: “Bất cứ việc gì của Hà Nội cũng là việc của cả nước vì Hà Nội là Thủ đô, cho nên đòi hỏi sự cẩn trọng, sự chắc chắn, sự đúng đắn và cả sự quyết liệt của người lãnh đạo ở trong tất cả mọi khâu, ở trên tất cả mọi lĩnh vực”. Và trong thực tế, anh đã  hướng ngành tuyên giáo Thủ đô  tư duy và làm việc theo phong cách ấy. 

Hạnh phúc bình dị, niềm vui cống hiến

Khi Hà Nội dịu mát trong chiều cuối tuần, trẻ em nô đùa vui tươi hồn nhiên thì ở Biển Đông, bóng đen cường quyền vẫn đang làm u ám cả trời xanh. “Không thể tạo dựng, bảo đảm được hòa bình - an ninh cho thế giới và cả từng khu vực, từng quốc gia, nếu luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, chủ quyền quốc gia không được tôn trọng”. Những hồi chuông đã rung lên, cảnh tỉnh những kẻ  bá quyền đầy tham vọng ích kỷ và tàn bạo!  Song sau mỗi dòng chính luận sắc sảo, trong Hồ Quang Lợi vẫn thấm đẫm tâm hồn nghệ sĩ. Trong chuyến ra thăm Trường Sa năm 1994, khi  tạm biệt biển đảo, lòng dạt dào tình thương yêu, anh đã khắc họa hình ảnh chiếc mũ tai bèo của người chiến sĩ tặng ca sĩ Thanh Thanh. Từ trên cầu cảng, chiếc mũ bay trong không gian mênh mông “như chiếc lá xanh bay trong ánh hồng rực rỡ của buổi bình minh trên Biển Đông”. Vì màu xanh của đất nước hòa bình, vì chủ quyền đất nước thiêng liêng mà những ngày này, các nhà báo- những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng- văn hóa, trong đó có nhà báo - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi đang ở vị trí tiền tiêu của mặt trận ấy.

Dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, anh và các đồng nghiệp Tuyên giáo đang cùng nhau chia sẻ niềm vui: Cuốn sách Thủ đô Hà Nội với biển đảo quê hương do Ban chỉ đạo Biển Đông - Hải đảo thành phố Hà Nội - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo biên tập và xuất bản, đã ra mắt đông đảo công chúng với 20.000 bản đúng  vào thời điểm nóng bỏng, cung cấp những thông tin cơ bản về biển đảo của Việt Nam, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cũng như trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc đấu tranh khó khăn phức tạp này để  góp phần giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc. 

Hạnh phúc của mỗi nhà báo, mỗi người cầm bút là được cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho dân tộc mình, cho sự thật và lẽ phải. Với hàng nghìn tác phẩm báo chí và nhiều đầu sách nổi tiếng đã xuất bản trong những năm qua, nhà báo Hồ Quang Lợi đã sống với niềm hạnh phúc giản đơn ấy!