Bảo tàng sống về nếp nhà Hà Nội xưa

BÀI 3: Dự án bảo tồn nhà vườn cổ 115 Hàng Bạc: “Treo” 14 năm vẫn khó có lời giải

ANTD.VN - Tuy không phải di tích lịch sử văn hóa, song ngôi nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc (số 6 Đinh Liệt) lâu nay vẫn được biết đến là công trình kiến trúc thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương mỗi khi đến phố cổ Hà Nội tham quan, nhất là khách nước ngoài. Đây được xem là “nhân chứng sống” cho sự giao thoa giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông, giữa nét đẹp điển hình của biệt thự Pháp cổ với vẻ đẹp đặc trưng của đình làng truyền thống Việt những năm đầu thế kỷ XX. Không chỉ được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, nơi đây còn từng được UBND TP Hà Nội đưa vào danh sách “nhà ở có giá trị cần bảo tồn” từ cách đây 14 năm.
Hình ảnh lối vào ngôi nhà vườn theo lối 115 Hàng Bạc, hiện tại lối vào này đã được rào lại, chỉ còn đường vào theo lối số 6 Đinh Liệt

Hình ảnh lối vào ngôi nhà vườn theo lối 115 Hàng Bạc, hiện tại lối vào này đã được rào lại, chỉ còn đường vào theo lối số 6 Đinh Liệt

Theo tìm hiểu, ngôi nhà vườn có kiến trúc độc đáo này được vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề xây mới trên mảnh đất ở số 115 Hàng Bạc thông sang số 6 Đinh Liệt. Thời điểm đó, để có tiền mua được mảnh đất có vị trí đắc địa và diện tích rộng gần 600 mét vuông này, vợ chồng ông chủ tiệm vàng Sư Tử nức tiếng lúc bấy giờ đã phải bán đi 3 căn nhà khang trang khác ở phố Hàng Vôi, Cầu Gỗ và Hàng Bè. Nghe đâu số tiền bỏ ra mua đất cũng xấp xỉ hơn 50 nghìn đồng tiền Đông Dương, mua được cả trăm cây vàng.

Sau này đến năm 1958 khi Nhà nước có những chính sách mới về quản lý vàng bạc, tiệm vàng Sư Tử mới chính thức dừng hoạt động. Những cây vàng cuối cùng sau đó cũng được gia đình bán lại với giá Nhà nước niêm yết. Ông Phạm Ngọc Giao – con trai thứ của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh chia sẻ, ông và anh chị em trong nhà sau này cũng không ai theo nghề vàng của bố mẹ, mà người chọn làm thầy thuốc, người lại trở thành họa sĩ…Có điều, tất cả đều chọn ở lại căn biệt thự vườn này, sống quây quần bên nhau, dù theo thời gian thì không gian sống ngày một trở nên chật chội.

VƯỚNG MẮC VÌ CHƯA TÌM ĐƯỢC TIẾNG NÓI CHUNG

Nhận định về ngôi nhà vườn kể trên, ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, đây là công trình hiếm hoi ở Hà Nội cho đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính xưa, là công trình có giá trị đặc sắc về kiến trúc, một điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan trong và ngoài nước khi đến Thủ đô.

Nói kỹ hơn về những giá trị của công trình này, ông Phạm Tuấn Long cho biết, ở bất cứ đâu trong ngôi nhà, người ta cũng có thể bắt gặp sự kết hợp tinh tế các chi tiết kiến trúc đặc trưng của phương Đông và phương Tây. Phía sau những cột gỗ lim nâu ấm áp chia cách từng không gian là những căn phòng nhỏ của từng thành viên. Trên cánh cửa phòng, cửa sổ hay trên tường ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh con dơi và chữ “thọ”. “Thọ” biểu tượng cho sức khỏe, còn “dơi” có cách đọc đồng âm với chữ “phúc” và có mặt trong bộ tứ: “long, ly, quy, phượng truyền thống của văn hoá người Việt. Sự kết hợp hai chi tiết như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà cho con cháu. Nét đặc sắc nhất trong phong cách Việt thể hiện ở mái ngói nhà uốn cong vút ở đầu đao. Ở mỗi góc đầu đao là hình mây cách điệu uyển chuyển. Trên không gian tầng hai, khu vực ngoài ban công là mái thoáng, giàn hoa sân thượng theo đúng phong cách kiến trúc Pháp. Ngoài ra còn có bộ bàn ghế cổ mang họa tiết phong cách Louis XIV đặt trong gian phòng khách.

Hình ảnh tư liệu về ngôi nhà vườn năm xưa với kiến trúc độc đáo được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khen ngợi

Hình ảnh tư liệu về ngôi nhà vườn năm xưa với kiến trúc độc đáo được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khen ngợi

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì ngôi biệt thự vườn này từ lâu đã nằm trong danh sách các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo theo phụ lục 8 trong “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội”được ban hành kèm theo quyết định 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013. Cụ thể, thực hiện theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, vào năm 2016, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã giao cho Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tiến hành công tác lập hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình di sản có giá trị trong khu phố cổ và kết quả là có tổng số 553 công trình có giá trị. Theo bản danh sách các công trình nhà ở trong khu phố cổ Hà Nội có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo thì ngôi nhà số 115 Hàng Bạc được xếp vào hàng “có giá trị đặc biệt”.

Trước đó, vào tháng 6/2010, UBND TP Hà Nội từng ban hành văn bản số 4376/UBND-VHGK gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND quận Hoàn Kiếm đồng ý cho UBND quận này được đầu tư, lập dự án bảo tồn nhà vườn cổ số 115 Hàng Bạc (cổng sau là số 6 Đinh Liệt) thuộc địa bàn quận. Nguồn vốn phục vụ công việc trên được huy động từ ngân sách quận Hoàn Kiếm và nguồn vốn xã hội hoá. Được biết thời điểm đó, phía Ban quản lý phố cổ cũng từng lập dự án bảo tồn, khôi phục lại nghề kim hoàn tại căn nhà, tạo thành điểm dừng chân tham quan lý tưởng của du khách. Tuy nhiên đến nay, sau đúng 14 năm 2 tháng, dự án này vẫn chưa thể thực hiện được. Việc trùng tu, bảo tồn một công trình dân sinh không phải chuyện đơn giản, nhất là đối với một ngôi nhà vườn thuộc sở hữu tư nhân có diện tích rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Làm thế nào để người dân có thể đồng hành trong việc trùng tu, bảo tồn ngôi nhà của chính mình, đưa nơi đây trở thành điểm đến văn hóa chung của Hà Nội vì thế trở thành bài toán khó tìm ra lời giải thỏa đáng.

Bức ảnh chụp cụ Phạm Thị Tề do một du khách người nước ngoài tìm đến tham quan ngôi nhà và chụp tặng gia chủ. Bức ảnh này hiện vẫn đang được các con của cụ Tề lưu giữ cẩn thận tại căn phòng lưu niệm nằm trên tầng 2 ngôi biệt thự vườn.
Bức ảnh chụp cụ Phạm Thị Tề do một du khách người nước ngoài tìm đến tham quan ngôi nhà và chụp tặng gia chủ. Bức ảnh này hiện vẫn đang được các con của cụ Tề lưu giữ cẩn thận tại căn phòng lưu niệm nằm trên tầng 2 ngôi biệt thự vườn.

Ngược dòng thời gian, trở về thời điểm sau năm 1954, ngôi biệt thự vườn của gia đình cụ Phạm Văn Thanh từng được đưa vào diện cải tạo, Nhà nước quản lý và sử dụng một phần, gia đình cụ Thanh được sử dụng toàn bộ tầng 2 và 2 phòng ở tầng 1. Một số căn phòng không còn thuộc sở hữu tư nhân của gia tộc họ Phạm sau đó được cho thuê lại theo giá niêm yết. Tuy nhiên trong quá trình sinh sống, để điều kiện sinh hoạt đỡ bất tiện hơn, cư dân đến thuê và cư trú tại đây đã tiến hành cơi nới, “đục” nhà vườn, chặt phá cây cối để xây bếp, thậm chí làm cả chuồng gà, lên kế hoạch lát lại nền…ảnh hưởng đến tổng thể kiến trúc hài hòa chung của ngôi nhà, phá vỡ cảnh quan cổ kính vốn có. Khi đó, cụ Phạm Thị Tề còn sống và cũng đặt hy vọng rằng chủ trương bảo tồn ngôi nhà vườn cổ của Hà Nội sẽ giúp trả lại cảnh quan vốn có ban xưa. Cùng với việc trở thành công trình dân sinh được thành phố lên kế hoạch thực hiện dự án bảo tồn, ngôi biệt thự vườn này cũng thoát được những ý định xâm phạm không gian chung lúc bấy giờ.

Tuy nhiên dự án bảo tồn trên lại vấp phải vướng mắc mới khi giữa cơ quan chức năng và gia đình cụ Phạm Thị Tề không tìm được tiếng nói chung để đi đến sự đồng thuận trong khâu thực hiện. Theo đó, mặc dù phía gia đình cụ Tề khẳng định ủng hộ với kế hoạch bảo tồn ngôi nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc mà mình sở hữu phần lớn diện tích, thành địa điểm di tích văn hóa của Hà Nội song các thành viên trong gia đình họ Phạm khi đó cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều việc, trong đó mong muốn làm rõ quyền sở hữu hợp pháp của gia đình mình đối với phần diện tích gồm sân vườn và hai căn buồng ở tầng 1 – phần diện tích mà đơn vị chức năng phối hợp triển khai dự án từng đưa vào diện thu hồi để phục vụ cho việc bảo tồn.

Vậy nên đã hơn 14 năm kể từ khi dự án bảo tồn ngôi nhà vườn này được thành phố Hà Nội phê duyệt, mọi thứ vẫn bỏ ngỏ. Đến nay, theo tìm hiểu được biết, các con trong gia đình vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề đã thỏa thuận được quyền thuê lại một số căn phòng ở tầng 1 thuộc sở hữu Nhà nước mà trước kia một số hộ dân ở ngoài đến thuê, phá dỡ một số công trình cơi nới gây mất mỹ quan, bao gồm cả khu bếp và chuồng gà lụp xụp mà người thuê trước kia dựng lên ở phía góc vườn.

BẢO TỒN KHÔNG GIAN SỐNG ĐI ĐÔI VỚI “DI SẢN PHI VẬT THỂ”

d

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây được bảo tồn theo cách di dời toàn bộ dân cư, cải tạo thành không gian riêng, tổ chức trình diễn tái hiện cuộc sống sinh hoạt xưa, tổ chức các sự kiện như: triển lãm, lễ hội…để phục vụ khách tham quan;
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây được bảo tồn theo cách di dời toàn bộ dân cư, cải tạo thành không gian riêng, tổ chức trình diễn tái hiện cuộc sống sinh hoạt xưa, tổ chức các sự kiện như: triển lãm, lễ hội…để phục vụ khách tham quan;

Trong lần tham dự một cuộc hội thảo tại Hà Nội diễn ra cách đây nhiều năm, nội dung bàn về vấn đề cải tạo khu phố cổ và nhà ở cho người có thu nhập thấp, GS Arnold Koerte (Ðại học Tổng hợp Darmstard) bày tỏ, một trong ba yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Hà Nội chính là khu phố cổ - nơi ghi dấu những thủ pháp kiến trúc đô thị có thể nói là tiêu biểu cho phong cách Đông Dương. Tuy nhiên vị GS này cũng thẳng thắn chia sẻ, ông nhận thấy hầu hết những chương trình, đề án, dự án bảo tồn phố cổ mới chỉ tập trung nói về kiến trúc nhà cửa, đường xá, khu phố…nói chung là về những di sản văn hóa vật thể. Trong khi đó, yếu tố di sản văn hóa phi vật thể như con người, cụ thể là những người dân sinh sống trong khu phố cổ vẫn ít được nhắc đến.

Có suy nghĩ tương tự, GS.TS William Lim (Đại học Tổng hợp Singapore) thể hiện sự đồng tình với quan điểm về việc tài sản lớn nhất của khu phố cổ, kể cả vật thể cũng như phi vật thể, tài sản có giá trị tuyệt vời nhất về mặt lịch sử và văn hóa, chính là những con người đã sống ở đây qua nhiều thế hệ, nhưng dường như họ vẫn bị bỏ quên.Vì thế ông cho rằng sự tham gia tích cực của chính người dân trong việc bảo tồn khu phố cổ là yếu tố vô cùng cần thiết.

Hiểu nôm na thì việc bảo tồn một công trình dân sinh ở khu phố cổ có thể được thực hiện theo hai hướng, một là di dời toàn bộ dân cư và cải tạo thành không gian riêng, tổ chức trình diễn tái hiện cuộc sống sinh hoạt xưa, tổ chức các sự kiện như: triển lãm, lễ hội…để phục vụ khách tham quan; hai là công nhận di sản và khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đang sinh sống tại đó tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn.

Ngôi nhà số 51 Hàng Bạc là dự án thí điểm đầu tiên về tu bổ lại chỗ ở. Ngôi nhà này được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, có 4 gian với cấu trúc hình ống được nối với nhau bằng những khoảng sân kế tiếp ở bên trong. Dự án chủ chốt này đã được thông qua và được người dân hoàn toàn đồng tình, nhất trí. (ảnh: tư liệu Internet)
Ngôi nhà số 51 Hàng Bạc là dự án thí điểm đầu tiên về tu bổ lại chỗ ở. Ngôi nhà này được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, có 4 gian với cấu trúc hình ống được nối với nhau bằng những khoảng sân kế tiếp ở bên trong. Dự án chủ chốt này đã được thông qua và được người dân hoàn toàn đồng tình, nhất trí. (ảnh: tư liệu Internet)

Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, để thực hiện dự án bảo tồn một công trình thuộc sở hữu tư nhân (hoặc phần lớn thuộc sở hữu tư nhân như căn biệt thự vườn ở số 115 Hàng Bạc) không hề đơn giản, bởi nó gắn liền với quyền lợi dân sinh. Ngôi nhà di sản ở số 87 Mã Mây là một ví dụ rõ rệt cho hướng bảo tồn đầu tiên. Công trình này trong quá khứ cũng từng bị hư hại, biến dạng nghiêm trọng vì các hộ dân sinh sống tại đây xây dựng, cải tạo mỗi người một phách, không theo bất kỳ nguyên tắc hay khuôn mẫu nào. Khi dự án bảo tồn ngôi nhà này được phê duyệt, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn mới có thể vận động 5 hộ dân sống ở đây đồng tình ủng hộ bằng việc di dời sang nơi khác định cư. Đây cũng là cái khó chung trong việc bảo tồn những mẫu nhà truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội.

Song không phải lúc nào việc bảo tồn cũng cần phải thực hiện theo hướng đó. Bởi sức hấp dẫn của một không gian, một công trình, một di sản nhiều khi chính là sự tiếp nối các thế hệ từ đời này sang đời khác trong chính di sản đó. Ngôi nhà ở 51 Hàng Bạc được tu bổ, bảo tồn năm 2003-2004 theo hướng thứ hai, tức là Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân vẫn được sinh sống tại đây sau quá trình tu bổ.

Ngôi nhà vườn nhìn từ trên cao, không gian phía trước sân đã bị thu hẹp lại đi nhiều so với xưa, không còn đảm bảo tỷ lệ kiến trúc lý tưởng 1:1 (không gian ở và sân có tỷ lệ diện tích bằng nhau)
Ngôi nhà vườn nhìn từ trên cao, không gian phía trước sân đã bị thu hẹp lại đi nhiều so với xưa, không còn đảm bảo tỷ lệ kiến trúc lý tưởng 1:1 (không gian ở và sân có tỷ lệ diện tích bằng nhau)

Trở lại với ngôi nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc, ông Phạm Ngọc Giao cho biết, trong khoảng chục năm trở lại đây, ngôi nhà đã được anh chị em trong gia đình ông tự bảo nhau trùng tu lại 2 lần. Tổng kinh phí cả hai lần trùng tu này rơi vào xấp xỉ gần 2 tỷ đồng, từ việc đảo lại mái ngói, phục chế nguyên vẹn các hoa văn, họa tiết bị mai một, làm lại những chỗ bị hỏng hóc xuống cấp, trát vá rồi sơn lại các bức tường…Tất cả các công đoạn này đều được gia đình ông tìm thuê và giao cho các thợ có tay nghề bậc cao, chuyên trùng tu các di tích ở Hà Nội.

Nhắc lại việc bảo tồn ngôi nhà vườn hiện vẫn đang là nơi sinh sống của gần chục hộ trong gia đình, ông Phạm Ngọc Giao không chút đắn đo lắc đầu nguây nguẩy rồi trầm ngâm chia sẻ thật, năm xưa lúc dự án này được rục rịch triển khai, ngoài vướng mắc về quyền lợi về dân sinh thì một trong những điều mà mẹ ông khi ấy còn sống, cũng như các thành viên khác trong gia đình lo ngại nhất chính là cuộc sống sinh hoạt và không gian sống của gia đình bị xáo trộn với đủ các sự kiện chiêng trống ầm ĩ, nhảy múa hát ca…khi ngôi nhà của mình trở thành điểm đến di sản văn hóa giống như ngôi nhà ở 87 Mã Mây.

Thế nên sau khi bố mẹ ông khuất bóng, anh chị em trong gia đình bảo nhau sẽ tự bỏ tiền túi ra để bảo tồn ngôi nhà vườn này, đồng thời vẫn sẵn sàng mở cửa đón tiếp mọi người đến thăm quan chụp ảnh, quay phim thoải mái. Người con thứ của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề bộc bạch, gia đình ông từng tiếp đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và ngôi nhà được nâng niu như tài sản tinh thần vô giá không gì sánh được.

Ông Phạm Ngọc Giao rất hồn hậu và nhiệt tình khi đón khách ghé thăm ngôi nhà vườn "di sản" mà bố mẹ mình để lại.

Ông Phạm Ngọc Giao rất hồn hậu và nhiệt tình khi đón khách ghé thăm ngôi nhà vườn "di sản" mà bố mẹ mình để lại.

Dù vậy, nếu so hình ảnh tư liệu về ngôi biệt thự vườn này lúc ban sơ và khung cảnh hiện nay, không khó để nhận ra nó cũng đã ít nhiều thay đổi, cùng với sự “phình” lên về dân số khi những người sống trong nó ngày một đông, là sự bó hẹp lại về không gian sinh hoạt chung. Khoảng sân không còn rộng rãi như trước, cũng có thêm một vài chỗ bê tông hóa, nhưng về cơ bản thì kiến trúc đặc trưng của ngôi biệt thự ở nhiều ngóc ngách vẫn vẹn nguyên, ngoại trừ sự xuất hiện của một số hình ảnh có thể khiến người ta cảm thấy hụt hẫng như một vài cánh cửa nhôm kính, tấm lợp nhựa, cục nóng điều hòa, cánh cửa sắt ngăn cách lối vào các căn hộ…Không gian tĩnh mịch khi xưa trong lời kể của ông Giao giờ cũng ồn ào hơn bởi tiếng chó sủa mỗi khi nghe tiếng chân người bước lên cầu thang. Tuy nhiên, sự mến khách và hiếu khách của những người sống trong ngôi nhà vườn này là điều ai cũng cảm nhận được.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

“Ngôi nhà số 115 Hàng Bạc là công trình có giá trị đặc sắc về kiến trúc, điểm đến hấp dẫn với du khách

– PV: Khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm xưa nay vẫn được xem là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài nước trong hành trình tham quan, khám phá và tìm hiểu về di sản văn hóa Việt, đặc biệt là dấu ấn trầm tích văn hóa Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử. Trong số này có nhiều ngôi nhà cũ có tuổi đời trăm năm. Quận có khảo sát nào về số lượng những ngôi nhà thuộc diện này còn tồn tại tính đến thời điểm này không, thưa ông?

- Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Thực hiện theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, năm 2016 Quận đã giao cho Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tiến hành công tác lập hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình di sản có giá trị trong khu phố cổ. Theo phụ lục 8 Danh sách các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo trong Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội được ban hành kèm theo quyết định 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013, có tổng số là 553 công trình có giá trị.

- PV: Trong số những ngôi nhà “di sản” ở phố cổ, có thể kể đến thành công trong việc trùng tu và bảo tồn thành công ngôi nhà ở số 87 Mã Mây và số 51 Hàng Bạc. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả từ việc trùng tu và đưa những nơi này trở thành điểm đến văn hóa – du lịch của Hà Nội?

- Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Từ năm 1996, thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse triển khai hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội. Nhiều dự án song phương được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, tôn tạo di sản; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ về trong công tác bảo tồn, quảng bá giá trị di sản. Dự án ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây; ngôi nhà 51 phố Hàng Bạc là những dự án đầu tiên thực hiện ở Hà Nội.

Ngôi nhà 87 Mã Mây đã được trùng tu, cải tạo từ năm 1998 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Từ đó đến nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống tại ngôi nhà. Ngôi nhà đã được các sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng thế giới như: Routard, Lonely Planet...ghi vào danh sách những điểm cần đến thăm khi đến Thủ đô Hà Nội. Hàng năm, bình quân khoảng 30.000 lượt du khách đến tham quan địa điểm này. Mỗi năm tại đây tổ chức 4 hoạt động văn hóa gắn với các ngày lễ của Việt Nam như sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội, giới thiệu nét văn hóa trà Việt…Còn ngôi nhà ở số 51 Hàng Bạc thực hiện năm 2003-2004. Đây là công trình được thực tu bổ trên nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân được sinh sống tại đây sau quá trình tu bổ.

- PV: Hiện tại trong không gian phố cổ có một ngôi nhà vườn thu hút sự quan tâm của du khách mỗi khi đến phố cổ tham quan, nhất là du khách nước ngoài, đó là ngôi nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc (cổng sau ở số 6 Đinh Liệt). Ngôi nhà này có thuộc diện được trùng tu, bảo tồn để trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ di sản văn hóa Hà thành hay không, thưa ông?

- Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:Công trình trình số 115 Hàng Bạc (cổng sau là số 6 Đinh Liệt) năm trong danh sách các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo theo phụ lục 8 trong Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội được ban hành kèm theo quyết định 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013, như đã nêu ở trên đây là một công trình có giá trị đặc sắc về kiến trúc, là một điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan trong và ngoài nước.

– PV: Trước kia việc trùng tu, bảo tồn nhiều ngôi nhà cổ trong khu phố cổ ghi nhận sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Ông nhìn nhận thế nào về sự hợp tác đó?

- Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Có thể nói, sự tham gia của các đối tác nước ngoài trong việc nghiên cứu hỗ trợ trong công tác bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội là vô cùng quan trọng. Ngày từ những năm 2000, thành phố Hà Nội đã thực hiện dự án hợp tác do Liên minh châu Âu hỗ trợ với sự tham gia của thành phố Toulouse (Pháp), vùng Thủ đô Bruxelles (Bỉ), dự án hợp tác của Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (Jica ) … nghiên cứu các chương trình tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát triển bền vững khu phố cổ Hà Nội và những kế hoạch triển khai hành động. Thông qua đó, thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã từng bước đầu tư thực hiện cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo tồn tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị cho đến nay có thể thấy hiệu quả rõ rệt từ những kết quả thực hiện trên trong việc gìn giữ nét đẹp kiến trúc và văn hóa Việt.

Đặc biệt, từ những dự án hợp tác quốc tế, quận Hoàn Kiếm đã tạo cơ hội cho các cán bộ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế. Thực tế chứng minh sau những dự án thí điểm quận Hoàn Kiếm đã thực hiện hiệu quả những dự án bảo tồn, trùng tu di sản như các công trình có giá trị lịch sử, chỉnh trang cải tạo các phố. Diện mạo khu phố cổ thay đổi rõ rệt, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, buôn bán của người dân tốt hơn. Phố cổ Hà Nội đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.

– PV: Trong thời gian tới, việc tu bổ, tôn tạo các công trình nhà ở có giá trị kiến trúc dự kiến sẽ được thúc đẩy triển khai như thế nào để khu phố cổ trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, thưa ông?

- ÔngPhạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Xác định văn hóa là “nguồn lực mềm” quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, với mục tiêu phấn đấu đưa quận Hoàn Kiếm trở thành một trung tâm văn hóa, đô thị kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Những năm qua, Quận ủy Hoàn Kiếm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đô thị; quan tâm, đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, trong đó có việc tái thiết đô thị, di chuyển các nhà máy công nghiệp không phù hợp ra khỏi địa bàn quận theo đúng chủ trương của thành phố Hà Nội, chuyển đổi các di sản công nghiệp thành những không gian văn hóa sáng tạo, góp phần tạo nên kết cấu hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng 7 chương trình công tác, trong đó có 2 chương trình công tác về quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị với 7 đề án triển khai thực hiện, 1 chương trình công tác về phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội với 6 đề án. Đây là chủ trương đúng đắn để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố Hà Nội về tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của Thủ đô.

Hoàn Kiếm là quận có lợi thế về không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Vì vậy, để phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; xây dựng các không gian văn hóa; tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của quận theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ. Nhờ đó, diện mạo đô thị quận Hoàn Kiếm ngày càng khang trang, sạch đẹp, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển.

Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm cũng phối hợp với các sở, ngành rà soát, cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; triển khai thực hiện các giải pháp cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố chính; cải tạo vườn hoa, xanh hóa hè phố kết hợp cải tạo mặt hè, thoát nước, hạ ngầm đường dây đi nổi; cải tạo các công trình có giá trị, các công trình biệt thự xây dựng trước năm 1954; chiếu sáng các công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu; kiểm soát tổ chức, nhân dân bảo tồn nhà cổ …

- PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!