Thông tin cần thiết về thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ…

Bài 2: Các điều kiện để được giảm chấp hành án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 11/10/2021. TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã có Thông tư liên tịch số 04, quy định phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại .

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

Điều 5. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

1. Đơn đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của người chấp hành án. Trường hợp người chấp hành án không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người chấp hành án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc đề nghị thay.

Một phiên tòa xét xử (ảnh minh họa)

Một phiên tòa xét xử (ảnh minh họa)

2. Các tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự.

3. Trường hợp người chấp hành án được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (ví dụ: Giấy khen, Bằng khen, Bằng sáng chế hoặc Bằng độc quyền sáng chế của cơ quan, người có thẩm quyền).

4. Trường hợp người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo thì hồ sơ phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người chấp hành án.

Đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV thì phải có kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, đang có nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

5. Trường hợp người chấp hành án bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì phải có biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự hoặc văn bản miễn, giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc thỏa thuận khác của người được bồi thường (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

6. Tài liệu khác có liên quan.

Điều 6. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

1. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Điều 7. Thủ tục xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

1. Tòa án tổ chức phiên họp xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự. Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên đã được cử không thể tham dự phiên họp thì Viện kiểm sát phải cử người khác tham gia.

Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với tài liệu chưa rõ. Văn bản đề nghị này đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.

2. Trình tự, thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

a) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.

b) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

c) Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của cơ quan đề nghị và việc tuân theo pháp luật trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

d) Hội đồng thảo luận và quyết định.

3. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:

a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;

b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

4. Nội dung quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;

d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;

đ) Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; số, ngày, tháng năm của quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ;

e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận;

g) Quyết định của Tòa án;

h) Hiệu lực thi hành.

5. Quyết định giảm thời hạn, không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.

6. Quyết định giảm thời hạn, không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được gửi theo quy định tại khoản 5 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.