Không thể để thương lái nước ngoài lũng đoạn thị trường nông sản

Bài 1: Trong nước dư thừa, nhập khẩu lại tăng vọt

ANTĐ - Có điều kiện, có lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng nông sản Việt Nam luôn rơi vào cảnh dư thừa, đổ bỏ còn người dân trong nước thì ăn nông sản ngoại chất lượng khó kiểm soát. Rau quả theo thời vụ được mùa mất giá đặt ra bài toán lớn: Làm sao đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng?
 Bài 1: Trong nước dư thừa, nhập khẩu lại tăng vọt ảnh 1

Nông sản trong nước thường dư thừa, giá thấp khi vào mùa vụ

Nông sản nội thừa, nhập khẩu từ cọng hành lá

Đầu tháng 4-2015, cả nước chứng kiến cuộc vận động “tiêu thụ dưa hấu tình thương” giúp nông dân Quảng Ngãi. Tại thời điểm đó, dưa hấu bán tại ruộng của nông dân một số tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên… chỉ 500-700 đồng/kg. Không ít ruộng dưa đến kỳ thu hoạch nông dân không thu hái mà để cho trâu, bò ăn. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, xe tải chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, phải nằm dài chờ đợi hàng cây số.

 Trong khi đó, khắp các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… người tiêu dùng trong nước phải mua dưa hấu với giá từ 12.000-20.000 đồng/kg. Trước tình trạng này, một số bộ, ngành, cộng đồng mạng đã kêu gọi mua dưa ủng hộ đồng bào miền Trung và phong trào “tiêu thụ dưa hấu tình thương” đã lan rộng khắp các nơi trên cả nước. Hàng trăm nghìn tấn dưa hấu đã được tiêu thụ nội địa, nông dân trồng dưa thoát cảnh trắng tay.

Phong trào “dưa hấu tình thương” chưa chấm dứt thì “chung tay tiêu thụ hành tím” lại được phát động. Ước tính, nông dân trồng hành tím tại tỉnh Sóc Trăng dư thừa khoảng 50.000 tấn. Tuy vậy, phong trào này đã nhanh chóng “xẹp” vì người tiêu dùng không thể mãi tiêu thụ nông sản dưới dạng tình thương trong khi nhu cầu thực không có. Hàng năm, vào mùa vụ, nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng… cũng thường đổ bỏ cà chua, bắp cải, rau cải… cho trâu bò ăn vì giá quá rẻ, tiêu thụ chậm.

Trong khi nông sản trong nước phải bán rẻ, thậm chí là đổ bỏ thì kim ngạch nhập khẩu nông, lâm và thủy sản vẫn tăng vọt so với cùng kỳ. Cụ thể, ước tính kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 9,25 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 7,13 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Rau quả nhập khẩu hàng tháng trung bình từ 20-30 triệu USD/tháng. 

Rời rạc như củ khoai tây

Một ngành nông nghiệp muốn phát triển bền vững, có định hướng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa với dân số trên 90 triệu người thì không thể định hướng tiêu thụ bằng… tình thương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: “Chưa bao giờ nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong việc phát triển thị trường đối với nền kinh tế, đặc biệt là rau quả lại thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và người dân như hiện nay. Điểm yếu của sản xuất, xuất khẩu ngày càng bộc lộ rõ, đòi hỏi phải có sự tập trung để giải quyết. Rau quả theo thời vụ được mùa mất giá đặt ra bài toán lớn: Làm sao đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng?”.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80 về việc liên kết bốn nhà (nhà nông, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học) trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vai trò của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Theo ông Trần Tuấn Anh, quy mô sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn là hộ gia đình, hộ cá thể nên không có điều kiện tổ chức liên kết bốn nhà.

 Còn cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết đến nay vẫn thiếu, đôi khi được điều chỉnh bởi sự đứt đoạn trong quản lý Nhà nước. Sự phối hợp giữa sản xuất (Bộ NN&PTNT, địa phương) và tiêu thụ (Bộ Công Thương) được lãnh đạo 2 Bộ thừa nhận là đứt đoạn và rời rạc. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành đang là khâu yếu nhất. Quy hoạch vẽ ra rất đẹp, nhưng khi nông dân “xé rào”, phá vỡ quy hoạch thì trách nhiệm không thuộc về ai. Người vẽ quy hoạch thì cứ vẽ, còn người sản xuất cứ sản xuất, mối liên kết sản xuất - tiêu thụ rời rạc như những củ khoai tây.