Thực hiện Luật An toàn thực phẩm:

Bài 1: Nhiều doanh nghiệp bị “hành”

ANTĐ - Luật An toàn thực phẩm (ATTP) vừa chính thức có hiệu lực từ 1-7. Do chưa có thông tư, nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành nên hiện cơ quan chức năng, đặc biệt các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bế tắc đưa hàng vào siêu thị

Bài 1: Nhiều doanh nghiệp bị “hành”  ảnh 1
Sẽ phải tăng cường kiểm tra liên ngành về VSATTP

Bất cứ một cơ sở sản xuất thực phẩm lớn nào muốn nâng cao sản lượng tiêu thụ cũng như uy tín đều phải đưa hàng hóa vào các siêu thị lớn. Thế nhưng theo quy định mới tại Luật ATTP vừa có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đang lo sản phẩm của họ sẽ không được các siêu thị nhập vào vì giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đã hoặc sắp hết hạn, trong khi không có cơ quan nào đứng ra tiếp nhận cấp giấy phép mới. Điển hình là Công ty TNHH Bia Đông Nam Á. Sản phẩm bia của công ty này hiện đang được bày bán tại hầu hết các siêu thị lớn ở Hà Nội, thế nhưng bắt đầu từ 1-9 tới đây nhiều khả năng sản phẩm này sẽ bị các siêu thị tạm dừng nhập. 

Nguyên nhân là do giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm bia nhà máy Đông Nam Á chỉ còn thời hạn đến cuối tháng 8 này. Trao đổi với ANTĐ, bà Nguyễn Minh Nguyệt, cán bộ kỹ thuật nhà máy bia Đông Nam Á cho biết, thông thường, trước khi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hết hạn khoảng 1 tháng,  doanh nghiệp phải làm hồ sơ công bố chất lượng mới để được nối hạn (được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm mới) kịp thời. Tuy nhiên, Công ty Bia Đông Nam Á đã nộp hồ sơ này từ cuối tháng 7 nhưng đến nay chưa có cơ quan chức năng nào tiếp nhận.

Theo bà Nguyệt, trong quy định cũ thì ngành y tế được Thủ tướng Chính phủ giao cho quản lý, cấp phép, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của toàn bộ các sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên trong Luật ATTP vừa có hiệu lực, quản lý ATTP được phân công rõ cho 3 bộ, ngành quản lý (Y tế, Công Thương, NN&PTNT), trong đó sản phẩm bia sẽ do ngành Công Thương quản lý, cấp phép. Thế nhưng “công ty chúng tôi nộp hồ sơ xin gia hạn chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đến Sở Công Thương Hà Nội, Sở này không tiếp nhận với lý do vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào hướng dẫn về việc này nên cũng không biết thực hiện cụ thể ra sao. Sở Công Thương hướng dẫn tôi nộp hồ sơ sang Chi cục ATVSTP Hà Nội như trước đây, nhưng Chi cục ATVSTP thành phố cũng không tiếp nhận mà yêu cầu chuyển hồ sơ sang Sở Công Thương. Lãnh đạo Chi cục này giải thích với chúng tôi rằng họ phải làm đúng luật…” - bà Nguyệt bức xúc.

Xin quảng cáo khó đủ đường

Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo thì thời điểm này đang bước vào cao điểm phục vụ mùa Trung thu. Thế nhưng theo quy định mới của Luật ATTP có hiệu lực từ 1-7, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo Trung thu gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin phép quảng cáo.

Chẳng hạn như với Công ty TNHH Bánh mứt kẹo Hà Nội, trước đây muốn xin phép quảng cáo họ chỉ cần nộp hồ sơ đến Chi cục ATVSTP - Sở Y tế Hà Nội. Nay theo quy định mới, muốn được quảng cáo họ phải xin được 2 con dấu, một của ngành y tế xác nhận nội dung quảng cáo và một của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận mẫu mã, hình thức quảng cáo, thậm chí phải xin cấp phép cả từ phía Sở Công Thương. Và do chưa sở, ngành nào nhận được văn bản hướng dẫn thi hành nên không tiếp nhận giải quyết cho các cơ sở sản xuất.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội vừa diễn ra, khi bàn về những vướng mắc trên của doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương cho biết đã lên “hỏi” Bộ Công Thương thì được Bộ hướng dẫn chuyển cho ngành y tế tiếp tục thực hiện như quy định cũ đến 1-9, khi các văn bản hướng dẫn thi hành luật có thể được ban hành. Đại diện ngành y tế Hà Nội cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn ngành y tế tiếp tục thực hiện quản lý, cấp phép ATTP như quy định cũ cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới, song có thòng câu “phải thực hiện đúng luật”. “Cái khó ở chỗ thực hiện đúng luật thì ắt không thể thực hiện như quy định cũ, đó là bài toán quá hóc búa” - một đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết.

(Còn nữa)