Theo thang đánh giá, nợ công Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Cách đây 10 năm, nợ công Việt Nam là 17,4 tỷ USD, bình quân 211 USD mỗi người. Như vậy, chỉ trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng hơn gấp 4.
Chỉ tính từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2014, thống kê cho thấy, nợ công Việt Nam đã tăng thêm tới 9,887 tỷ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tăng thêm gần 100 USD/người. Trong khi đó, con số công bố về nợ công của Việt Nam đang ở khoảng 90 tỷ USD nhưng thực chất, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước thì nợ công đang ở khoảng 180 tỷ USD. Số nợ này gấp khoảng 4 lần thu ngân sách của Việt Nam mỗi năm.
Số liệu này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (dưới 65% GDP). Bộ Tài chính cũng như thành viên Chính phủ nhiều lần khẳng định nợ công chưa chạm trần. Nhưng các chuyên gia đều không khỏi lo ngại khi nhắc tới nợ công Việt Nam. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nếu tính đủ, nợ công Việt Nam phải lên tới gần 100% GDP. Có chuyên gia đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội cần dành riêng một phiên thảo luận sâu về nợ công để nhìn rõ thực tế, từ đó đề ra các giải pháp điều chỉnh và quản lý nợ an toàn và hiệu quả. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế, chính sách quản lý nợ công cần tiếp tục đổi mới theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng quản lý phân tán ở các bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh. Việc sử dụng nguồn vốn cho vay cần có sự chọn lọc, tập trung cho các công trình, dự án ưu tiên cao, hiệu quả lớn. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất.
Các quốc gia đều phải đi vay để phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp thâm hụt ngân sách và các mục tiêu khác, tuy nhiên, những tác hại kinh tế khó lường của việc vay nợ quá nhiều sẽ làm mất cân bằng các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp. Do vậy, để có thể quản lý nợ công một cách có hiệu quả và đạt được sự bền vững, cần phải có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và đảm bảo. Nợ công như là một đòn bẩy tài chính. Nếu sử dụng nợ hiệu quả thì đòn bẩy phát huy tốt giúp kinh tế tăng trưởng cao. Vì vậy, nợ công nhiều hay ít chưa hẳn xấu hay tốt mà cách quản lý đồng tiền nợ này như thế nào mới là quan trọng.