An toàn thực phẩm trong trường học phải đặt lên hàng đầu

ANTĐ - Lo cho học sinh học tốt chưa đủ vì nếu để có bất cứ tổn hại nào đến sức khỏe, tính mạng của các em thì mọi công sức của thầy cô đều mất hết ý nghĩa - ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích về vấn đề môi trường an toàn trong trường học.

Đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng thực phẩm trong bếp ăn trường học là ưu tiên hàng đầu

(ảnh minh họa)

- Với quy mô học sinh, giáo viên lớn nhất cả nước, Hà Nội rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh hay ngăn ngừa các tai nạn, thương tích học đường?

- Hiện tại Hà Nội có tới 2.540 trường học, hơn 1,5 triệu học sinh, hơn 100.000 cán bộ, giáo viên. Con số này chiếm tới 1/4 dân số Thủ đô. Bởi vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng dạy và học thì yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích... là điều chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Như tôi đã nói dù dạy tốt, học tốt nhưng nếu để xảy ra những việc tổn hại đến sức khỏe, tính mạng học sinh thì mọi công sức đó đều không còn ý nghĩa.

- Hiện người dân ai cũng lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vậy với trường học, vấn đề này được giải quyết như thế nào?

- Nhu cầu học sinh ăn bán trú ở trường ngày càng lớn. Cả thành phố hiện đã có 1.300 trường có bếp ăn bán trú và tương đương từng đó số trường có căng tin phục vụ học sinh, giáo viên. Trong số đó đã có gần 1.150 bếp ăn được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả điều tra gần 60 bếp ăn bán trú ở 19 quận huyện mới đây cho thấy gần 90% bếp ăn tuân thủ các quy định trong chế biến, bảo quản thức ăn.

- Như vậy chưa phải là tất cả các bếp ăn đã đạt yêu cầu chất lượng?

- Thực tế rất khó để đảm bảo tuyệt đối chất lượng với từng đấy đơn vị. Việc cấp giấy chứng nhận là tốt nhưng có ai kiểm soát được chất lượng thực phẩm hiện nay khi sản phẩm sạch cũng chủ yếu được xác nhận trên giấy và do cơ sở cung cấp đưa ra. Cho tới giờ, Hà Nội hạn chế đến mức thấp nhất những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn trường học. Tuy nhiên, quản lý chỉ lơi lỏng một chút, hậu quả sẽ khó lường khi mà từng đấy học sinh, từng đấy gia đình phụ thuộc vào chất lượng bữa ăn ở trường. Hà Nội cũng đã xảy ra một số việc như tình trạng bữa ăn không đảm bảo được phát hiện với trường mẫu giáo Maple Bear, dù đây là trường quốc tế, thu học phí cao nhưng lại đặt đơn vị nấu ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng. 

- Vậy theo ông, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học cần có cách thức kiểm soát gắt gao hơn?

- Việc này đòi hỏi phải đầu tư thực chất chứ không chỉ là những biện pháp hình thức như yêu cầu trình ra giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được phôtô cho mọi lô hàng. Ngay như một trường tiểu học lớn của Hà Nội, mỗi bữa ăn lại có đơn vị vận chuyển hơn 3.000 suất ăn đến trường thì kiểm soát như thế nào từ khâu nhập thực phẩm, chế biến đến vận chuyển? Theo tôi cần có một hệ thống kiểm định từ xa chứ không chỉ nhằm vào một khâu nấu nướng ở bếp ăn trường học. Tôi cũng đang muốn đề xuất với thành phố cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất với những cơ sở chế biến thực phẩm về nguồn gốc nhập hay quy trình thực hiện, kể cả các đơn vị sản xuất nước uống bởi hiện nay, nhu cầu nước uống tinh khiết trong trường học rất lớn nhưng kiểm soát cũng chưa chặt chẽ. Muốn được như vậy cần có sự phối hợp nhiều ngành, có kinh phí và có cả hình thức xử lý đủ sức nặng pháp lý. Nếu chưa triển khai được tất cả thì theo tôi cũng nên triển khai điểm.

- Cảm ơn ông!