Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống

6 nhiệm vụ trọng tâm để ngăn chặn tham nhũng

ANTĐ - Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, những năm gần đây, tình hình tham nhũng trên phạm vi cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. 

Đáng chú ý, đối tượng tham nhũng ngày càng đa dạng, từ những người có chức vụ, quyền hạn đến những cán bộ, công chức thừa hành. Quy mô, phương thức, thủ đoạn của đối tượng tham nhũng luôn thay đổi, tinh vi và đa dạng; hậu quả do tham nhũng gây ra ngày càng lớn, không chỉ về kinh tế, mà nghiêm trọng hơn là làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của các cơ quan Nhà nước.

Chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Ban Nội chính Thành ủy cho biết, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm minh”, trong nhiệm kỳ qua, công tác phòng chống tham nhũng của thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực. Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần vào giữ vững ổn định tình hình chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân. 

Đặc biệt, Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh, dứt điểm một số vụ án tham nhũng trên địa bàn thành phố. Những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có những “đại án” về tham nhũng, đều được TAND thành phố đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bản án được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ như vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm...

Khẳng định 5 năm tới, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục là một trong những công tác trọng tâm của thành phố, Ban Nội chính Thành ủy chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu mà các cấp ủy Đảng thành phố cần tập trung chỉ đạo. Thứ nhất, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; thực hiện việc công khai, minh bạch hoạt động của đơn vị, của cán bộ, đảng viên, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Cần thường xuyên đăng tải thông tin về những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng. Thứ ba, cần tăng tốc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ. 

Thứ tư, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; hoạt động thanh tra, kiểm toán của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện những cá nhân có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thứ năm, cần phát huy vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đảng viên, cán bộ, công chức. Thứ sáu, sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan Nội chính Thành ủy để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Thành ủy về lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. 

Trong nhiệm kỳ   2010-2015, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã giám sát 24.121 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 3.393 đảng viên (trong đó, 938 trường hợp là cấp ủy viên các cấp, chiếm 27,64% số đảng viên bị thi hành kỷ luật).