6 người dân Nhật Bản tử vong vì ăn bắp cải muối của Trung Quốc: Thông tin chưa chính xác!

ANTĐ - Ngày 22-8, Website của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát bản tin cảnh báo tại Nhật Bản xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bắp cải muối có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Việt Nam tiêu thụ khối lượng không nhỏ bắp cải, cải thảo Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Theo bản tin đã có 6 người chết ở Hokkaido (Nhật Bản) vì nhiễm khuẩn tả E.Coli 0157, trong đó có 1 bé gái 4 tuổi. Cụ thể, 6 người này cùng 97 người khác đã gặp cùng một triệu chứng sau khi ăn bắp cải muối sản xuất vào cuối tháng 7-2012 bởi một Công ty tại thành phố Sapporo (Hokkaido). Nguyên liệu bắp cải được nhập từ Trung Quốc.

Thông tin này không khỏi khiến người tiêu dùng Việt Nam hoang mang lo lắng bởi bắp cải hiện đang bán tràn lan tại các chợ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phần lớn cũng đều nhập từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, chiều 23-8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông đã được tiếp cận thông tin này. trên trang The Japan Times Online của Nhật Bản song, thông tin đưa trên đó là người dân Nhật Bản bị ngộ độc bởi cải thảo muối chua theo kiểu Trung Quốc, chứ không phải ngộ độc bắp cải muối chua xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, ông Hồng cho rằng, có sự nhầm lẫn trong việc dịch lại tin tức từ tờ báo trên. “Cục BVTV sẽ liên hệ với Cục ATTP để xem xét và thẩm định lại nội dung thông tin này”, ông Hồng nói.

Nhưng trên thực tế, ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là chợ đầu mối cung cấp rau cho Hà Nội như Vân Nội, Long Biên… loại bắp cải và cải thảo không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan. Thực tế đáng lo ngại là với khí hậu miền Bắc, không thể trồng được bắp cải và cải thảo vào mùa hè. Và với diện tích trồng rau hiện nay ở Đà Lạt, không thể cung cấp đủ cho nhu cầu ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhất là rau Đà Lạt khó lòng ra đến chợ dân sinh, phục vụ số đông người tiêu dùng. Theo nhiều người kinh doanh mặt hàng này, bắp cải và cải thảo đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Và với phương thức nhập khẩu rau được kiểm dịch bằng mắt thường như hiện nay tại các cửa khẩu, không thể đảm bảo các loại rau trên an toàn. 

Trước đó,vào tháng 5, báo chí Trung Quốc đã từng cảnh báo về việc nông dân vùng Sơn Đông dùng hóa chất độc hại formaldehyde phun lên cải thảo giúp tươi lâu. Sau đó, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cũng đã lấy các mẫu cải thảo trên thị trường để kiểm tra, phân tích. Kết quả đã phát hiện ra có formaldehyde, song theo giải thích của ông Hồng thì đó là formaldehyde nội sinh, không phải đưa từ ngoài vào.