3 phút quay định mệnh

ANTĐ - 37 cô gái đại đội pháo binh Ngư Thủy đã nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ bộ phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy”. Nhiệm vụ của họ là bắn trả tàu chiến ngoài khơi nã đại bác vào điểm khởi đầu tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. 5 tàu chiến Mỹ bốc cháy, đại đội nữ pháo binh đã trở thành Anh hùng! 

Lịch sử đã lùi lại phía sau thời khắc đó gần 45 năm, nhưng thời gian đó có một chàng trai mới vào độ tuổi 25, chẳng màng đến chuyện mình có thể hy sinh ở nơi bom rơi lửa đạn vùng chiến sự, anh đã đến Ngư Thủy để ghi lại câu chuyện về những cô gái Ngư Thủy một cách trung thực và đầy cảm động.

“Nhân chứng lịch sử chính là tôi!

Thời điểm cách đây đúng 44 năm; tôi có thực hiện bộ phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy. Trước đó, khi đang thường trú tại khu 4, anh Tỉnh đội trưởng có bảo với tôi rằng ở dưới xã Ngư Thủy có một đại đội pháo binh duy nhất toàn là nữ giới. Tất cả có 37 cô, độ tuổi trẻ nhất là 17, lớn nhất là 25 tuổi. Tôi đã xuống và may mắn được chứng kiến cuộc chiến đấu giữa đại đội nữ pháo binh với tàu chiến. Chỉ có 3 phút quay! Lúc đó chưa có truyền hình, tôi mang 3 phút quay được về Hà Nội làm tin thời sự để trình chiếu trên các tổ chiếu bóng lưu động trên cả nước. Các đồng chí ở Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương bảo với tôi rằng 3 phút quay được này quý quá, em quay trở lại làm bộ phim tài liệu đi.   

Đó là vào thời khắc cuối năm 1968 đầu năm 1969, tôi đã lập một đoàn làm phim có tôi vừa làm đạo diễn kiêm quay phim chính, anh Đỗ Duy Hùng phụ quay. Kịch bản do anh Phạm Thành Liêu viết, âm nhạc do anh Trần Quý đảm nhiệm. 4 anh em kéo nhau về Ngư Thủy. Ăn ở với dân quân 1 tháng và chúng tôi đã được chứng kiến 2 lần nữa cuộc chiến đấu giữa đại đội nữ pháo binh với tàu chiến. 1 tháng với khoảng 1.200 mét phim đã được quay trở lại Hà Nội dựng. Bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy” đã đoạt giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ II (1973); đoạt giải Đặc biệt tại LHP Quốc tế Leipzig (1972); Giải thưởng của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới”. 

30 năm sau, những người làm phim đã trở lại chốn xưa để tìm gặp lại những nữ pháo thủ của một thời oanh liệt. Mái tóc xanh ngày xưa nay đã bạc, khuôn mặt đã có những nếp nhăn của thời gian, của nắng và gió. Cả làng Ngư Thủy sống tách biệt, cô lập như một ốc đảo, họ hầu như không biết gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Cả làng không có một cái tivi, mọi người chỉ biết đến điện qua những que kem lành lạnh. Trong làng không có lấy một nhà trẻ, một bệnh xá, không trường học và thậm chí không có lấy một con đường. Mỗi khi đi khỏi làng họ phải băng qua những đồi cát mênh mông, nóng rát hai bàn chân. Năm nào cũng có ít nhất vài ba tháng thiếu ăn dù chỉ là khoai với sắn. Có chị bị mù vì sức ép của bom, chồng lại bệnh tật. Có chị không chồng, không con. Việc đó đồng nghĩa với việc không có người đàn ông đi biển lấy cá về đổi gạo, đổi tiền...

Năm 1999, chúng tôi lại “kéo” một đoàn làm phim vào Ngư Thủy. Trong quãng thời gian 30 năm đó tôi có vài dịp quay lại nơi đây. Phim “Những cô gái Ngư Thủy” gây được tiếng vang; còn anh Tỉnh đội trưởng năm xưa “dẫn đường chỉ lối” để tôi có được 3 phút quay định mệnh sau ngày giải phóng đã làm Chủ tịch tỉnh. Chúng tôi đã gặp lại nhau, anh coi tôi là một công dân của tỉnh Quảng Bình. Thật hạnh phúc biết bao khi nhờ những thước phim đó mà người dân Quảng Bình biết tôi, và vui hơn cả khi tôi được “kết nạp” thành “công dân danh dự” của tỉnh Quảng Bình. Để bao năm đã qua, mỗi lần tôi trở về nơi đây như được trở về với chính ngôi nhà thân thuộc của mình vậy. Cũng đúng thời khắc đẹp đẽ trọn vẹn 30 năm ở lại, các anh lại gợi ý tôi làm lại bộ phim này. 

Năm 1999, NSND Lê Mạch Thích khi đó đang đảm nhận cương vị Giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã quyết định thực hiện lại bộ phim. Tôi cùng đi làm với anh Thích, khi đưa anh vào tới Ngư Thủy, hai anh em ý hợp tâm đầu. Tôi tham gia viết kịch bản, và dưới góc nhìn của anh Thích trên cương vị đạo diễn đã khiến bộ phim trở nên tươi sáng hơn. Khác với tôi, anh Thích là người ngoài cuộc nên góc nhìn của anh hoàn toàn khách quan. Một lần nữa “Trở lại Ngư Thủy” đã giành HCV phim ngắn LHP châu Á - Thái Bình Dương (1998); Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam (1998) và Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ XII (1999)”. 

Trong buổi họp báo ra mắt bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” năm đó, có một nhà báo đã đề nghị lập quỹ để mời các cô ra thăm Hà Nội. Các báo đồng loạt tham gia hưởng ứng. 1 năm sau, số tiền để mời tất cả các cô ra thăm Thủ đô yêu dấu theo nguyện vọng đã quyên góp đủ. Các cô trong đại đội nữ pháo binh năm xưa ra đủ hết. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Truyền hình Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… lần lượt tiếp các cô. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tặng cho mỗi cô 1 cái tivi, thế nhưng mang về đến nơi thì xã Ngư Thủy (nơi có 5 đơn vị anh hùng) lại chưa có điện. Rồi cái ngày điện được kéo vào xã cũng thành hiện thực, nhưng lúc đó Ngư Thủy lại chưa có đường. Hội đồng Anh (British Council) kết hợp với Bộ Giao thông Vận tải đã làm đường vào xã. Không có đường. Không có điện. Không có ma túy. Không có trộm cắp. Nhà không có khóa... Xã Ngư Thủy là một điểm khuất. 

3 phút quay định mệnh để làm tin thời sự cũng chính là nền tảng cho những bộ phim thành công sau này. 3 phút quay đầu tiên ấy ghi lại trận bắn đầu tiên của đại đội nữ pháo binh, 1 con tàu đã bốc cháy ngùn ngụt. Chàng trai 25 tuổi năm xưa ghi lại 3 phút quay lịch sự ấy chính là đạo diễn, NSƯT Lò Minh. Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chàng trai trẻ Lò Minh hăng hái tình nguyện khoác ba-lô cùng máy quay lên đường. Với nhiệm vụ quan trọng của người lính quay phim chiến trường ở tuyến đầu ác liệt, đạo diễn - nhà quay phim trẻ Lò Minh đã coi mỗi thước phim thời sự chiến tranh là thứ tài sản vô giá phải đánh đổi bằng mồ hôi và xương máu của chính mình và những đồng đội đã ngã xuống.  

3 phút quay đại đội nữ pháo binh ở Ngư Thủy chỉ là một phần nhỏ “gia tài” nghề nghiệp của đạo diễn Lò Minh. Nhưng ở đó, ông đã làm nổi lên sự tương phản giữa một bên là những cô gái hồn nhiên trong sáng, thiết tha yêu quê hương, gần gũi với từng con nước đầy vơi lúc thủy triều với những khối sắt thép câm lặng đầy chết chóc. “Những cô gái Ngư Thủy” mang một vóc dáng nghệ thuật riêng biệt; đây có thể coi là một tác phẩm kinh điển, chứa đựng nhiều yếu tố nghề nghiệp giá trị giúp ích thiết thực cho tư duy sáng tác phim tài liệu nói riêng cũng như nghệ thuật điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung. 

Nếu một lần có dịp xem lại những thước phim đen trắng nhuộm màu thời gian và đầy những vết xước do qua lửa ấy mới cảm nhận được phần nào tâm huyết của người nghệ sĩ, chiến sĩ - thế hệ những người lính mang phẩm chất anh bộ độ cụ Hồ.