"1981" có gì hấp dẫn?
(ANTĐ) - NXB Hội Nhà văn và Cty sách Bách Việt vừa tái bản lần một có bổ sung cuốn "1981" của nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang. Với tiểu thuyết 1981, Nguyễn Quỳnh Trang đã làm được việc cần thiết là tách mình ra khỏi các tác giả trẻ cùng lứa, xuất hiện khá ồn ào trên văn đàn trong tên gọi chung là “tác giả 8X”với một nỗ lực: hoàn thành hơn 300 trang viết trong 28 ngày .
Và trong hơn 300 trang sách ấy là một đời sống ngổn ngang của giới trẻ ngày nay. Đã từng có những ý kiến nhìn nhận 1981 như một cuốn viết về đề tài đồng tính – và nhanh chóng xếp nó vào series sách viết về đồng tính – như là một xu hướng mới hiện nay. Thực ra, đó không phải là vấn đề đáng nói nhất trong cuốn sách này. Chuyện đồng tính dường như chỉ là cái cớ để tác giả trình bày một cách tiếp cận và khám phá bản thể: Sự mạnh mẽ. Hay yếu đuối, nhu nhược. Những khao khát muốn phá tung mọi lề thói ấu trĩ và nặng nề. Những cơn điên rồ muốn bỏ trốn. Những khao khát bản năng. Những nỗi hoang mang của tuổi trẻ… Đều hội tụ đủ trong mỗi người chúng ta. Và chúng ta luôn sống trong những cuộc đấu tranh với chính mình – hàng ngày hàng giờ.
Mặc dù là hai nhân vật – hai con người - nhưng thực ra Nhi và Quỳnh trong tác phẩm góp phần làm nên một thể thống nhất. Đó là hai mặt cùng song song tồn tại trong một con người. Nếu như Quỳnh luôn chỉ biết gặm nhấm nỗi đau quá khứ của mình như con sâu non nằm im chờ chết trong một thứ quả đã nẫu, luôn tuân thủ nghiêm chỉnh mọi phép tắc lề thói đạo đức xã hội quy định thì Nhi lại là người mạnh mẽ, dám làm, dám sống thật như những gì bản thân mong muốn. 1981 trưng ra một cuộc “giải phẫu” mà tác giả là người trong cuộc. Lối sống, cách tư duy của lớp trẻ được tác giả phản ánh một cách chân thực, táo bạo giúp chúng ta hiểu hơn về một thế hệ 8X phức tạp và nhiều nỗi hoang mang mà lâu này thường được giới truyền thông nhắc đến.
Nguyễn Quỳnh Trang đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên trong cuốn tiểu thuyết này. Một văn phong đầy sự ngẫu hứng. Những khúc đoạn ngổn ngang – như một cuốn nhật kí - như chính cuộc sống này. Trang không trình ra một cuốn sách mạch lạc, dễ đọc. Cô lôi kéo độc giả tham dự vào cùng những nỗi phân vân, những cơn tuyệt vọng mà các nhân vật của cô đang mang theo chúng.
Dồn sức trong 28 ngày cho một cuốn sách – có thể ví như một bước nhảy cuối cùng, cần thiết cho sự ra đời của tác phẩm. Vì những gì Nguyễn Quỳnh Tranh viết cũng chính là cuộc sống của thế hệ những người như cô đang trải qua. Cũng nhiều bạn viết khác có chung đề tài ấy, nội dung ấy. Song mỗi người tự tạo nên cho mình những diện mạo riêng. Có thể một diện mạo nhạt nhoà - hay sắc nét; điều đó phụ thuộc khả năng riêng từng người. Nói một cách hình ảnh: những thực tế về cuộc sống của lớp trẻ ngày nay – ví như nguyên liệu đã sẵn có, được bày ra, để thử thách người viết. Có người chọn nguyên liệu này, có người chọn nguyên liệu khác. Và với 1981- Trang đã thành công trong cuộc thử thách này. Đó cũng chính là điểm hấp dẫn để 1981 được tái bản.
Gia Bách