Sau ngày 31-12-2014: Giấy phép lái xe giấy vẫn sử dụng bình thường

ANTĐ - Lộ trình cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô từ vật liệu giấy sang vật liệu PET theo lộ trình của Bộ GTVT đã sắp hết. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Sau ngày 31-12-2014: Giấy phép lái xe giấy vẫn sử dụng bình thường ảnh 1GPLX vật liệu giấy nếu không kịp đổi sang GPLX vật liệu PET vẫn sử dụng bình thường

- Tiến độ cấp đổi GPLX ô tô sang vật liệu PET đã làm tới đâu, thưa ông? 

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Đến hết tháng 10-2014, cả nước đã cấp đổi được khoảng 2,2 triệu GPLX ô tô vật liệu PET, chiếm 60% trong tổng số gần 3,5 triệu GPLX ô tô trên cả nước. 

Theo lộ trình, tất cả GPLX    ô tô vật liệu giấy sẽ phải đổi sang GPLX vật liệu PET trước ngày 31-12-2014. Tuy nhiên, lộ trình đưa ra chỉ mang tính khuyến khích để tạo điều kiện đồng bộ trong quản lý, hài hòa giữa nhu cầu đổi GPLX với khả năng đáp ứng của các cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng dồn  vào một thời điểm. 

- Sau thời điểm 31-12-2014 thì GPLX vật liệu giấy (còn thời hạn sử dụng) có còn hiệu lực?

- Với tiến độ như hiện nay thì không kịp hoàn thiện việc đổi 3,5 triệu GPLX ô tô vật liệu giấy sang vật liệu PET. Tiến độ mà Bộ GTVT đưa ra chỉ mang tính định hướng, không cứng nhắc, áp đặt. Tổng cục Đường bộ cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT gia hạn cấp đổi đến hết ngày 31-12-2015. 

Ngoài ra, Thông tư quản lý về cấp đổi GPLX không có quy định nào về xử phạt việc không đổi sang vật liệu PET nếu GPLX cũ vẫn còn hạn sử dụng. Nếu sau ngày 31-12-2014 mà người dân chưa kịp cấp đổi thì vẫn sử dụng bình thường và không phải lo lắng gì. Nếu người dân có nhu cầu vẫn đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp đổi bình thường, không phải thêm bất kỳ thủ tục hay giấy tờ nào. GPLX mô tô, xe gắn máy cũng tương tự.

- Tổng cục có nhận được ý kiến của người dân về việc bị gây khó dễ trong việc cấp đổi này?

- Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở GTVT địa phương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện trong việc đổi GPLX sang vật liệu PET cho người dân. Người dân có thể làm thủ tục đổi GPLX sang vật liệt PET ở bất kỳ địa phương nào mà không phải về tận nơi cấp. Thời hạn cấp đổi trong trường hợp này cũng không quá 5 ngày. Hiện nay, 90% cơ sở dữ liệu GPLX đã có trên dữ liệu của Tổng cục Đường bộ, cơ quan cấp đổi GPLX chỉ cần đăng nhập vào là có thể kiểm tra được toàn bộ thông tin về người cấp đổi.

Đến nay, Tổng cục chưa nhận được bất kỳ ý kiến phàn nàn nào của người dân về việc sách nhiễu, gây khó dễ của cơ quan chức năng.

- Tổng cục sẽ cấp GPLX quốc tế trong năm 2015, cụ thể việc này như thế nào, thưa ông?

- Tổng cục Đường bộ đã xây dựng Đề án trình Bộ GTVT và Bộ đã trình Chính phủ Đề án gia nhập Công ước Vienna về biển báo tín hiệu giao thông đường bộ và GPLX. Chính phủ đã có Nghị quyết 141 đồng ý về việc này, giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục gia nhập Công ước. Tháng 8-2014, Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam gia nhập Công ước Vienna.

Bộ GTVT đã cho phép công dân các nước tham gia Công ước Vienna được phép sử dụng GPLX quốc tế ở Việt Nam. Còn tại Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng thông tư để trình Bộ GTVT về việc cấp GPLX quốc tế cho những người đã có GPLX do các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nếu ai đang học tập, công tác, cư trú ở nước ngoài mà có nhu cầu thì sẽ được phép cấp thêm 1 GPLX quốc tế.

GPLX quốc tế sẽ có thông tin được dịch ra 5 thứ tiếng, gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc (giống hộ chiếu). Chúng tôi đang xây dựng mẫu GPLX, thủ tục cấp, đầu tư trang thiết bị… để trong quý I-2015 sẽ tiến hành cấp GPLX quốc tế cho người có nhu cầu.

- GPLX quốc tế có hiệu lực ở bao nhiêu quốc gia?

- Là công dân Việt Nam đã có GPLX do các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam cấp, nếu có nhu cầu sẽ được cấp thêm 1 GPXL quốc tế tương đương với thời hạn sử dụng trên GPLX Việt Nam mà không phải thi hay sát hạch. 

GPLX quốc tế sẽ có hiệu lực trên khoảng 70 quốc gia đã tham gia Công ước Vienna, trong đó, có hầu hết các nước lớn ở châu Âu, châu Á, Mỹ... Dự kiến, việc cấp đổi GPLX quốc tế sẽ được làm thí điểm ở Tổng cục Đường bộ và một số Sở GTVT có nhu cầu lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…