Xóa bỏ chính sách “cho không”

ANTĐ - Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ mức 7,8% xuống còn 5,8%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 38,2% xuống còn 33,2%. Đó là báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, giảm nghèo ở nhiều nơi còn tình trạng “3 ra 1 vào”, tức là cứ 3 hộ thoát nghèo, lại có 1 hộ tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới.

Giảm nghèo không đơn giản, nhưng giữ được kết quả bền vững còn khó hơn nhiều. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu thực trạng đáng lo ngại, khi có những địa phương giảm nghèo được bao nhiêu lại tái nghèo bấy nhiêu. Chẳng hạn, ở Hà Giang, chính sách giảm nghèo chưa đúng trọng tâm. Ở vùng núi cao, thiếu đất trồng trọt, không nên hỗ trợ vào lĩnh vực này, thay vào đó, nên hỗ trợ bà con 1-2 con bò sẽ phù hợp hơn.

Theo lãnh đạo một số địa phương, nếu tiếp tục hỗ trợ 400.000 đồng/hộ ở nông thôn, 500.000 đồng/hộ ở thành thị, thì khi rút nguồn tài trợ, các hộ lại rơi vào tình trạng tái nghèo. Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị, Việt Nam khó đủ khả năng tài chính để đầu tư 1% GDP cho an sinh xã hội trong tương lai gần. Bởi thực tế chênh lệch giàu - nghèo cũng như tỷ lệ tái nghèo như hiện nay sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách. Đặc biệt, Việt Nam là một xã hội đang già hóa, tỷ lệ người cao tuổi khoảng 10 năm tới sẽ tăng lên 15%. Vì vậy, nếu không có những điều chỉnh, đổi mới, chuyển từ chính sách trợ giúp xã hội sang hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất kinh doanh để có thu nhập thường xuyên và ổn định, thì việc giảm nghèo bền vững mãi là bài toán khó.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều cho rằng, cần xóa bỏ dần chính sách “cho không”, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp người nghèo sản xuất kinh doanh. Cần tăng cường chính sách cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, như vậy người nghèo mới có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Mạnh dạn bãi bỏ các chính sách không phù hợp, xóa bỏ chính sách “cho không”, đòi hỏi giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt là những việc cần làm ngay.