Không thể cố tình lơ đi

ANTĐ - So với thời điểm đầu tháng 7-2014, giá dầu thô trên thế giới đã giảm khoảng 52% và đục thủng đáy kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Cũng bởi vậy, xăng dầu trong nước liên tiếp giảm giá chưa từng có. Nhưng dường như, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn cố tình lơ đi với những “động tác giả”, lập lờ giá cước vận tải. Điều này khó có thể chấp nhận trong bối cảnh minh bạch thông tin và cạnh tranh giá cả trên thị trường.

Bộ Tài chính đã có một loạt công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hạ giá cước, Bộ GTVT cũng ra hạn ngày 15-1 các doanh nghiệp phải đăng ký giảm giá cước. Tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải mới chỉ giảm ở mức dưới 5%, thậm chí dưới 1%. Gọi là có giảm, nhưng cước vận tải mới chỉ nhúc nhích mang tính đối phó với cơ quan chức năng. 

Tại hội nghị tổng kết ngành GTVT năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo không thể để cước vận tải lộn xộn như hiện nay. Các cơ quan chức năng Bộ GTVT phải chủ động làm việc với Bộ Tài chính, chủ động chỉ đạo các Sở GTVT địa phương kiểm soát bằng được giá cước vận tải. 

Theo tính toán, xăng dầu chiếm 30-40% trong cơ cấu chi phí, giá thành vận tải. Vì vậy, giá cước hiện nay so với tháng 7-2014 phải giảm ở mức 20%-25% mới hợp lý. Nếu xăng dầu giảm giá quá mạnh mà doanh nghiệp vận tải không kê khai giảm cước thì sẽ không được chấp nhận phương án giá. Cơ quan chức năng cũng cần ráo riết thanh tra để truy thu thuế. 

Ngay lập tức, Bộ GTVT đã cử đoàn thanh tra giá cước vận tải các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và đưa ra cơ chế quản lý, xử lý. Với 66% số doanh nghiệp vận tải các bến xe Hà Nội vẫn chưa giảm giá cước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, Bộ GTVT cần công bố công khai kết quả thanh tra cho nhân dân được biết, chứ không thể chấp nhận kết luận theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” được. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thì cho rằng Sở GTVT không quản lý về giá nên không thể xử lý xe không giảm giá cước được. Việc này thành phố giao cho Sở Tài chính thanh tra.

Trong những lần xăng dầu trong nước tăng giá trước đây, người tiêu dùng được kêu gọi san sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp. Bây giờ xăng dầu giảm giá mạnh người tiêu dùng lại tiếp tục chịu thiệt thòi. Các nhà xe thường vin vào lý do cơ cấu giá thành mỗi hãng mỗi khác, bộ máy nhân sự có nhiều biến động, còn phải cân đối thu chi, nên cố tình lơ đi với đầy đủ lý lẽ biện bạch rất đa dạng. Song, dù với bất cứ lý do gì, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy, việc giảm giá của doanh nghiệp vận tải thời gian vừa qua chỉ là “động tác giả”. Đã đến lúc, công tác quản lý giá cước vận tải cần được chấn chỉnh sát sao, quyết liệt, với nhiều biện pháp mạnh, để đảm bảo quyền lợi người dân.