Chấp nhận “phận” gia công?

ANTĐ - Số liệu thống kê vừa được công bố trong cuộc hội thảo về vai trò của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với khu vực doanh nghiệp trong nước cho thấy, khu vực FDI và doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang đóng vai trò nổi bật và đang thay dần doanh nghiệp Nhà nước trong tạo việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, kỳ vọng về chuyển giao công nghệ từ FDI cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và kỹ năng quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên xa vời. 

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, lợi nhuận do các doanh nghiệp nội địa tạo ra sẽ được quay vòng trong nước thông qua tiêu dùng hoặc tái đầu tư. Trong khi đó, phần lớn lợi nhuận của khu vực FDI chủ yếu là chuyển khỏi nước ta. Thông tin gần đây cho thấy, doanh nghiệp trong nước không chen nổi vào chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia đang dùng Việt Nam làm căn cứ sản xuất để xuất khẩu toàn cầu, khiến dư luận thất vọng về ý nghĩa thực chất của việc kêu gọi FDI.

Thu hút vốn FDI hàng chục tỷ USD để làm gì khi Việt Nam chỉ là địa điểm gia công, thâm dụng giá nhân công rẻ mạt, trong khi doanh nghiệp nội địa không được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, thậm chí không làm nổi chiếc ốc vít. Cảm giác bị “thôn tính” thị phần và hàng hóa khi hệ thống phân phối mất dần vào tay công ty nước ngoài từ chiếc bàn chải, kem đánh răng đến xe máy, ô tô, điều hòa đều do doanh nghiệp FDI thâu tóm. Ngay cả các cửa hàng ăn uống, siêu thị đông khách vẫn là những thương hiệu nước ngoài danh tiếng. Số liệu thống kê phản ánh rất rõ: doanh nghiệp FDI đã chiếm tới gần 70% tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Trong khi quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp trong nước giảm từ 25 tỷ đồng xuống còn 22 tỷ đồng, thì của doanh nghiệp FDI lại tăng từ 207 tỷ đồng lên 307 tỷ đồng. 

Sự teo tóp của doanh nghiệp trong nước được một số chuyên gia lý giải là do các doanh nghiệp dần từ bỏ sản xuất chuyển sang nhập khẩu, từ bỏ lắp ráp để làm dịch vụ thương mại. Họ không bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất nếu thấy rằng suất lợi nhuận của sản xuất thấp hơn so với suất lợi nhuận làm thương mại. Vì thế, doanh nghiệp FDI dường như là động cơ còn chạy tốt, còn hai động cơ doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đều gặp khó khăn. Luồng ý kiến cho rằng, nền kinh tế đang lệ thuộc vào vốn FDI dẫn đến hệ lụy là dân ta phải đi làm thuê, gia công trên chính nước mình là hoàn toàn có cơ sở. Thực trạng này phải chăng do lỗi của chính chúng ta “vui vẻ” chấp nhận “phận” gia công?