Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên:

“Cần kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân”

ANTĐ - Từ yêu cầu đảm bảo an toàn thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, giải quyết Quỹ bảo trì ở tòa nhà Keangnam, cho đến việc nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ người dân tụ tập với quy mô lớn để phản đối một số vấn đề xã hội… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, hôm qua 27-5 đã trả lời một loạt câu hỏi nóng mà báo chí và dư luận đang quan tâm.

“Cần kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân” ảnh 1Không để nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi đi qua các công trường dự án đường sắt đô thị

“Nóng” đường sắt đô thị và quỹ bảo trì tòa nhà Keangnam

- Gần đây xảy ra nhiều sự cố tại các công trình đường sắt đô thị ở Hà Nội cho thấy công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động chưa được coi trọng. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông qua khu vực thi công dự án? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc để xảy ra các vụ tai nạn lao động?

- Ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Để đảm bảo an toàn lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn, vệ sinh lao động; Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, ngành LĐ-TB&XH cùng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc kiểm tra an toàn lao động trên công trường. 

Để tăng cường quản lý về chất lượng, hạn chế các sự cố, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình. 

Đối với sự cố tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết, đồng thời kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan; rút kinh nghiệm trong triển khai dự án, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã bị đình chỉ thi công toàn tuyến trong khoảng 1,5 tháng để kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan và đã 2 lần thay thế lãnh đạo chủ đầu tư dự án. 

Dự án đường sắt đô thị, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đã chỉ đạo dừng thi công, điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường thi công và trật tự an toàn giao thông,..

Các bộ, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác này để bảo đảm an toàn hơn.

- Liên quan đến thông tin tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được rao bán tại Hàn Quốc với giá gần 800 triệu USD, Ban Quản trị 2 tòa chung cư thuộc tòa nhà này gửi văn bản “kêu cứu” tới Thủ tướng trong đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2%. Xin cho biết Chính phủ có quan điểm xử lý vấn đề này như thế nào?

- Về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về kinh phí bảo trì tại chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) theo thẩm quyền và quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Không để người dân bức xúc, tụ tập quy mô lớn

- Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ người dân tụ tập với quy mô lớn để phản đối một số vấn đề xã hội (hơn 9 vạn công nhân nhà máy Pouyen (TP.HCM) tụ tập để phản đối điều 60 Luật BHXH, người dân ở Bình Thuận chặn đường để phản đối nhà máy gây ô nhiễm, người dân ở Khánh Hòa cũng chặn  quốc lộ, vứt cá, tôm chết ra đường để phản đối tình trạng nạo hút bùn gây ô nhiễm). Trong khi Luật Biểu tình vẫn chưa được xây dựng, Chính phủ có biện pháp gì để hạn chế những vụ việc tương tự diễn ra, vừa gây mất trật tự xã hội, vừa khiến người dân phải vào vòng lao lý?

- Việc phản ứng của người dân, người lao động thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân; để hạn chế việc tái diễn Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp liên quan, nhất là phải tập trung nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm tính khả thi, sát với thực tiễn cuộc sống, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân; tăng cường công tác truyền thông.

Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng đã quy định cơ sở pháp lý để xử lý việc tập trung đông người (quy định tập trung đông người phải xin phép chính quyền) gây mất trật tự công cộng. 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền, tăng cường, hiệu quả công tác tiếp công dân, công khai minh bạch, lắng nghe, đối thoại, giải trình, giải quyết kịp thời, thấu đáo những bức xúc chính đáng của người dân, không để tái diễn các vụ việc. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan xây dựng dự án Luật Biểu tình để báo cáo Quốc hội theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.

- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu nghiên cứu việc điều chỉnh lương cơ sở trên cơ sở tạo nguồn của Bộ Tài chính. Cụ thể việc này thế nào, có khả năng tăng lương năm nay? 

- Để nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân   sách nhà nước, theo tinh thần Kết luận số 63-KL/TW của Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng khung cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và các giải pháp tạo nguồn ngân sách Nhà nước để cải cách tiền lương giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức lương cơ sở vào thời điểm thích hợp.