Hải quân Nga thực hiện chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên sau 30 năm

ANTĐ - Ngày 28-5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hải quân nước này sẵn sàng thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên kéo dài 6 tháng tại Nam Cực, sau hơn 3 thập kỷ.

Nga đã lãng quên khu vực nhiều tiềm năng này từ năm 1982, sau chuyến tham hiểm Nam Cực cuối cùng của hai chiếc tàu khảo sát hải dương Đô đốc Vladimirsky và Faddey Bellinsgauzen.

Trong một tuyên bố, bộ trên cho biết: “Tàu khảo sát đại dương Đô đốc Vladimirsky đã hoàn thành sửa chữa tại một nhà máy đóng tàu ở thành phố St. Petersburg, một phần trong sự chuẩn bị cho chuyến thám hiểm Nam Cực sẽ bắt đầu vào cuối năm nay”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, đoàn thám hiểm sẽ tiến hành một loạt các cuộc đo đạc thủy văn để cập nhật cẩm nang và biểu đồ hàng hải hiện tại, và cũng sẽ kiểm tra các hệ thống định vị vô tuyến để đảm bảo cho các tuyến đường hàng hải an toàn tại vùng biển Nam Cực.

Tàu khảo sát đại dương Đô đốc Vladimirsky của hải quân Nga 

Nam Cực là một khu vực có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và khám phá đang thu hút sự chú ý của rất nhiều quốc gia. Ngoài khu vực chiến lược Bắc Cực nằm sát biên giới của mình, Nga đang ngày càng quan tâm tới việc khám phá Nam Cực.

Hồi cuối tháng 3, nhà hoạt động môi trường Lewis Pugh, người Anh, cho rằng Nga đang giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái dễ bị tổn thương của Nam Cực. Theo ông, trong 30 năm qua, môi trường sinh thái tại Nam Cực đã thay đổi nhiều do ảnh hưởng của sự nóng lên của trái đất và ô nhiễm môi trường.

“Nam Cực, một trong những hệ sinh thái nguyên vẹn cuối cùng trên thế giới, cũng đang bị đe dọa”, ông Pugh nói và cho biết thêm rằng, Nga với tư cách là chủ tịch Ủy ban Bảo tồn tài nguyên hàng hải Nam Cực (CCAMLR) cần phải có trách nhiệm bảo vệ khu vực này.