Tan hoang rừng sinh thái Bản Đôn

ANTĐ -Tại hiện trường, qua kiểm đếm có tổng cộng 60 khúc gỗ tròn, chủ yếu là chiu liu, cẩm sừng, căm xe và cà chít (nhóm IV). Bình quân mỗi khúc gỗ có đường kính 30cm, dài 4m có tổng khối lượng 10m3 bị chặt đổ.

Ngày 9-6, nhận được nguồn tin “một khối lượng lớn gỗ lậu đã bị lâm tặc khai thác và tập kết tại bìa rừng của Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn”, do Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn quản lý và bảo vệ, đóng trên địa bàn buôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc), nhóm phóng viên chúng tôi tức tốc lên đường vào rừng.

Từ Buôn Ma Thuột tới Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, phải vượt qua chặng đường hơn 70km. Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi tới bìa rừng, lúc này lực lượng công an và kiểm lâm huyện Buôn Đôn cũng đã tiến hành kiểm tra hiện trường để làm rõ nguồn gốc bãi tập kết gỗ lậu.

Gỗ lậu lâm tặc tập kết ở bìa rừng và gần văn phòng Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn



Tại hiện trường, qua kiểm đếm có tổng cộng 60 khúc gỗ tròn, chủ yếu là chiu liu, cẩm sừng, căm xe và cà chít (nhóm IV). Bình quân mỗi khúc gỗ có đường kính 30cm, dài 4m có tổng khối lượng 10m3 bị chặt đổ.

Từ vị trí tập kết gỗ lậu ở bìa rừng, theo vết bánh xe ô tô, xe độ chế mà lâm tặc mở để vận chuyển gỗ lậu, chúng tôi đi sâu vào rừng của Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, một cảnh tượng tan hoang hiện ra trước mắt: “Cả trăm cây gỗ căm xe, chiu liu, cẩm sừng đã bị cưa đốn trong thời gian gần đây. Cành, ngọn và lá cây vẫn còn tươi. Hầu hết những thân cây đã bị lâm tặc cắt khúc và vận chuyễn ra khỏi rừng. Rừng sinh thái Bản Đôn không khác một đại công trường khai thác gỗ công khai. Thậm chí lâm tặc còn nấu ăn ngay trong rừng. Lâm tặc còn đưa cả cưa máy, ô tô, xe độ chế vào để “cơ giới hóa” công việc khai thác gỗ lậu.

Cây chiu liu vừa bị cưa cắt


Tại sao chủ rừng là Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn lại thiếu trách nhiệm hay có sự tiếp tay mà lâm tặc lộng hành và ngang nhiên đến vậy!? Ông Vũ Quang Giang, Đội trưởng đội bảo vệ đơn vị này lý giải: Do diện tích rừng rộng tới 1.400 ha, mà chỉ có 9 người bảo vệ nên không thể quản lý nổi (!).  Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc lâm tặc xâm nhập rừng sinh thái Bản Đôn là rất khó khăn, bởi chỉ có 1 con đường duy nhất rẽ từ Tỉnh lộ 1 vào Khu du lịch sinh thái để vào rừng. Và để vào được rừng, phải qua cổng có bảo vệ nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm. Vậy nếu không có sự tiếp tay của chủ rừng thì lâm tặc làm sao có thể ra, vào rừng để khai thác và vận chuyển trót lọt khối lượng lớn gỗ ra khỏi rừng. Hơn nữa, những địa điểm lâm tặc khai thác gỗ ở vị trí khá gần văn phòng của Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn và việc khai thác lại hoàn toàn “cơ giới hóa” thì không thể bảo vệ của chủ rừng này không biết.

Những gốc cây lâm tặc đốn hạ và đã vận chuyển gỗ ra khỏi rừng


Hiện tại các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, khi để lâm tặc đưa cưa máy, xe ô tô, xe độ chế và tổ chức lực lượng vào khai thác gỗ một cách công khai với khối lượng lớn.