Sách tham khảo cho học sinh:

Nhiều tác giả chỉ chạy theo lợi nhuận

ANTĐ - “Tôi là người ngày nào cũng đọc sách, viết sách. Với tôi, tính trách nhiệm của tác giả với bạn đọc là điều quan trọng nhất. Bây giờ nhiều tác giả chỉ chạy theo lợi nhuận, viết sách kiếm tiền. Thế là hại bạn đọc, hại trẻ em” - GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục bày tỏ bức xúc về chất lượng sách tham khảo hiện nay.

Bộ GD-ĐT mới chỉ đảm bảo được chất lượng sách trong nhà trường

Phụ huynh bị đánh lừa

Phản ứng về vụ việc gây ầm ĩ thời gian gần đây khi sách viết cho trẻ em lại in hình cờ Trung Quốc trên cổng trường học, GS Phạm Minh Hạc cho rằng đây là lỗ hổng ở khâu xuất bản. “Phụ huynh đang bị đánh lừa. Sẽ có người mua cuốn sách này vì ở ngay trang đầu giới thiệu, người viết khẳng định soạn theo chương trình Bộ GD-ĐT thế nhưng lại không được Bộ GD-ĐT kiểm duyệt hay có ý kiến gì. Như vậy mà Cục Xuất bản cũng cho phép phát hành, trong khi đáng nhẽ phải thông qua Bộ GD-ĐT”- GS. Phạm Minh Hạc phân tích. Cũng theo GS, với những đầu sách xuất bản cho trẻ em, cụ thể là sách tham khảo học tập thì cần đổi mới trong cách quản lý, có sự kiểm định của Bộ GD-ĐT thay vì cấp phép tràn lan như hiện nay. “Chúng tôi cũng như bạn đọc mong chờ việc xử lý với những người liên quan đến sự việc từ tác giả, nhà xuất bán (NXB), Cục Xuất bản đều phải có hình thức kỷ luật cao hơn, nhằm nâng cao tính trách nhiệm của người viết. Nếu tác giả không tự đề cao trách nhiệm cá nhân của mình thì cần có chế tài nặng” - GS. Phạm Minh Hạc kiến nghị.

Nói về việc xuất bản sách tham khảo, ông Nguyễn Minh Khang, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, viết loại sách này hoàn toàn không dễ, để xuất bản càng khó hơn. “Hiện NXB Giáo dục có khá nhiều đầu sách tham khảo ở nhiều mảng khác nhau như sách nâng cao các môn học, sổ tay học tập, kỹ năng sống, từ điển... Để đảm bảo chất lượng ấn phẩm cũng như uy tín của NXB, đội ngũ biên tập rất quan trọng và phải có chuyên ngành, phụ trách từng bộ môn, lĩnh vực. Ngoài năng lực chuyên môn còn đòi hỏi tính nhạy bén chính trị, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp... Làm sách mới nhìn tưởng đơn giản nên nhiều NXB đều muốn tham gia nhưng càng làm sẽ càng thấy khó” – ông Nguyễn Minh Khang khẳng định.

Cũng theo ông Khang, khi đã làm thành sách mới phát hiện ra sai sót thì sẽ rất khó xử lý, và hậu quả là rất lớn. “Đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, mọi khâu đều phải có quy trình hoàn chỉnh và có đội ngũ biên tập, tác giả có kinh nghiệm, được ràng buộc trách nhiệm cao. Điều này không phải NXB nào cũng có được”.

Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay quản lý

Sau hàng loạt những hạt sạn khó tha thứ trong các ấn phẩm dành cho trẻ em, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có động tác để khắc phục như rà soát lại các NXB thuộc trách nhiệm mình quản lý, gửi công văn yêu cầu các cơ sở GD-ĐT không sử dụng sản phẩm bị “lỗi”... Tuy nhiên, để tìm ra biện pháp lâu dài và thực sự hiệu quả đảm bảo chất lượng sách tham khảo thì nhiều câu trả lời từ phía Bộ vẫn chỉ ở dạng kiến nghị, đề xuất.

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, vấn đề kiểm soát sách tham khảo trong nhà trường được triển khai từ nhiều năm trước, trong đó có Công văn 6631 hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa phổ thông và sách tham khảo năm 2008. “Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng sách tham khảo có “sạn”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao các vụ bậc học chúng tôi rà soát công văn này để bổ sung một số nội dung mới”, ông Phạm Ngọc Định cho biết. 

Tuy vậy, việc làm sao để ngăn chặn sách có “sạn”, sách chất lượng quá kém và không phù hợp với mục tiêu giáo dục vào các trường mà vẫn tôn trọng Luật Xuất bản, tôn trọng quyền bán sách của các nhà làm sách thì câu trả lời lại được hướng vào cách làm cũ đã từng triển khai và phải ngừng lại vì bất cập. Được biết, trước đây Bộ GD-ĐT từng đưa ra một danh mục sách tham khảo được sử dụng trong thư viện nhà trường nhưng rồi ngừng lại vì bị dư luận xã hội phản ứng, bị cho là tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực trong xuất bản sách giáo dục. “Trong bối cảnh như vậy có nên đưa trở lại danh mục này? Nếu có danh mục này thì cách làm thế nào để phù hợp với Luật Xuất bản?”, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, đặt vấn đề. 

“Với chất lượng sách tham khảo trong nhà trường, ngành giáo dục chắc chắn phải có trách nhiệm kiểm soát. Nhưng với sách tham khảo trên thị trường, chúng tôi mong chờ vào ý thức trách nhiệm của các NXB, vào sự kiểm soát của dư luận xã hội, giúp phụ huynh học sinh loại bỏ được sách kém chất lượng” - ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT tha thiết.