Vì sao "tháo chạy"

ANTĐ - “Tháo chạy” khỏi trường quốc tế là những từ ngữ được dùng để phản ánh một trào lưu ngược đang dấy lên của các phụ huynh hiện nay. Trào lưu này nóng tới  mức nhiều trường công lập đã phải “nói không” với các học sinh đến từ các trường quốc tế. Vì sao lại có những cuộc “tháo chạy” như vậy? Đã đến lúc các bậc phụ huynh nghi ngại về chất lượng đào tạo của các trường “giá cao” này.


1,2-2 triệu đồng/ngày

Cho con học trường quốc tế được xem như du học tại chỗ đã trở thành xu hướng của những gia đình có thu nhập cao tại các thành phố lớn. Học trường quốc tế cũng là bước đệm mà các bậc cha mẹ thường chọn lựa trước khi cho con theo học đại học ở nước ngoài. Tại Hà Nội, hàng loạt trường quốc tế đã đi vào hoạt động như: Unis, Uniworl, Hà Nội Academy, KinderWorld Kindergarten, Dream House, Brendon, VIP School..... với đủ mọi cấp học từ mầm non đến trung học. Vì mang danh quốc tế nên các trường này không ngừng tăng học phí theo từng năm học. 

Theo đó, mức học phí các trường quốc tế trong năm học 2011 - 2012 này phổ biến ở mức 120 triệu - 300 triệu đồng/năm. Là một trong hai trường “quốc tế xịn” với hệ thống trường từ mầm non đến THPT, trường Unis có mức học phí cao nhất cả nước. Học phí bậc mầm non của trường này một năm là 150 triệu đồng với trẻ lớp nhỏ và 300 triệu đồng với trẻ lớp mẫu giáo. Mức học phí này tính cho một năm với hơn 160 ngày học. Như vậy, tính trung bình, mỗi phụ huynh chi cho con học trường này khoảng 1,2 - 2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, học sinh khi vào học phải nộp hai khoản tiền bắt buộc là tiền nhập học 15 triệu đồng (750 USD) và tiền phát triển trường 40 triệu đồng (2.000 USD) một năm. Tại trường Morning star, học phí cho trẻ 18 tháng - 2,5 tuổi là 124 triệu đồng/năm (6.200 USD/ năm), lớp 2,5 - 5 tuổi là 130 triệu đồng/năm (6.545 USD/ năm), lớp 5-6 tuổi khoảng 140 triệu đồng/năm (7.012 USD/năm). Mức học phí này chưa bao gồm tiền ăn.

Các bậc cha mẹ khi xác định cho con vào học các chương trình của nước ngoài thì phải theo đến hết lớp 12 vì khả năng “quay đầu lại” là bất khả thi. Vì vậy không ít gia đình dành hẳn từ 4-5 tỷ đồng, tương đương với việc mua một ngôi nhà để cho con theo học. Còn những gia đình không theo nổi thì lại phải dở khóc dở cười huy động mọi mối quan hệ để xin con trở lại trường công hoặc trường dân lập.

Chất lượng thả nổi

Điều làm các bậc phụ huynh băn khoăn  không hẳn là số tiền đầu tư lớn bởi các gia đình đã cho con theo học trường quốc tế là những gia đình có điều kiện và họ có thể đáp ứng được nhưng điều khiến phụ huynh lo lắng là  liệu con mình có nhận được những kiến thức xứng đáng với số tiền đầu tư? Chị Nguyễn Thu Hà, từng là giáo viên tại một trường quốc tế cho biết: Chuyện phục vụ, chăm sóc, cơ sở vật chất của trường quốc tế là khá tốt. Nhưng có nhiều chuyện khác thì phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Giáo viên liên tục đổi, giáo viên nước ngoài nhiều khi chỉ là “Tây balô” không được đào tạo về sư phạm. Giáo trình cóp nhặt, không ra Tây cũng chẳng ra ta. Dạy học theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, buổi tối học sinh không phải học bài, làm bài tập, không phải đi học thêm... là chủ trương mà nhiều trường quốc tế áp dụng. Đó cũng là ưu điểm của các trường quốc tế, song khi so sánh học lực của học sinh trường quốc tế với các trường công lập thì cũng không hơn gì, thậm chí nhiều học sinh về kiến thức còn thua xa học sinh trường công lập.

Hiệu trưởng một trường Tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội cũng chia sẻ có một học sinh lớp 5 từ trường quốc tế chuyển về nhưng cháu gần như học kém nhất lớp, đặc biệt là môn tập làm văn, chữ viết xấu. Nguyên nhân là do các thầy giáo nước ngoài dạy nhiều khi không chuyển tải được hết sự phong phú đa dạng của tiếng Việt, dẫn đến việc hành văn của học sinh bị lúng túng. Một trường hợp khác thì vốn tiếng Anh sau 4 năm học tại trường quốc tế cũng không nổi bật hơn những bạn khác trong lớp.

 

Thực tế các trường quốc tế nếu muốn hoạt động tại Việt Nam họ chỉ cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, còn về việc thẩm định chất lượng giáo viên cũng như môi trường sư phạm, chất lượng giáo dục lại không thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Như vậy, có nghĩa là chất lượng giáo dục ở những trường quốc tế vẫn đang bị thả nổi và còn nhiều lỗ hổng chưa được quản lý chặt chẽ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dù bỏ tiền tỷ ra nhưng chưa chắc phụ huynh và học sinh đã đạt được điều mà mình mong muốn. Tuy nhiên vẫn có một số lượng nhất định các gia đình cho con theo học tại trường quốc tế. Họ có lý do của họ. Các bậc phụ huynh hãy xem các chuyên gia về giáo dục và phụ huynh nói gì về chất lượng các trường quốc tế để tìm cho mình một quyết định đúng.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Quản lý có vấn đề

Giáo dục cần mang tính quốc tế, nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO. Việc xuất hiện các trường quốc tế hay các trường có yếu tố nước ngoài cũng là điều bình thường. Tuy nhiên thực tiễn những năm qua cho thấy quản lý có nhiều vấn đề. Khi cho phép các trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam chúng ta coi như một doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch đầu tư  xét và cấp phép. Vì vậy Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo không quản lý được. Mặc dù Chính phủ đang có chủ trương chống thương mại hóa giáo dục nhưng các trường quốc tế thì thương mại hóa rất rõ rệt. Họ thuê nhà, thuê giáo viên của mình và giáo viên nước ngoài rất ít nhưng thu học phí rất cao. Nhiều người đã gọi hiện tượng này là trao trứng cho ác, không ai quản lý, không ai xử lý.  Các trường quốc tế cũng có những quy định học tập và học phí tùy tiện. Rất mừng là gần đây đã có nhiều trường hợp phụ huynh xin cho con quay về trường công. Để tạo niềm tin của xã hội vào trường quốc tế theo tôi phải giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp phép và quản lý, có những quy định về nội dung giảng dạy và học phí tối đa là bao nhiêu.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Vân, giảng viên ĐHSP Hà Nội: Nên tìm hiểu kỹ

Trước khi cho con theo học trường quốc tế các bậc  phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ những vấn đề chính như: đội ngũ giáo viên của trường được tuyển chọn như thế nào? Tiền rất quan trọng, nếu “đứt gánh giữa đường” sẽ khiến con bạn ở không xong mà đi cũng không được. Nên xem xét điều mình thực sự muốn khi cho con học trường quốc tế và liệu chắc chắn đạt được không? Nếu như tất cả các vấn đề trên còn băn khoăn thì có lẽ trường quốc tế không phải là lựa chọn tối ưu. Hiện nay các trường chuẩn quốc gia của Hà Nội cũng rất tốt. Muốn cho con nâng cao khả năng ngoại ngữ bạn có thể cho con học thêm tại các trung tâm Anh ngữ. Còn việc rèn tính tự lập, tự tin, khả năng giao tiếp… tôi nghĩ bố mẹ có thể rèn cho con được. Bên cạnh đó những lớp học về kỹ năng sống tại Hà Nội rất nhiều, có thể cho con tham gia cũng là ý kiến hay.

Chị Nguyễn Thu Thủy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Nhiều lo ngại

Năm học này, tôi phải nhờ mọi mối quan hệ để chuyển cho cậu con trai 9 tuổi về học trường tiểu học công lập sau 5 năm học tại trường quốc tế. Lý do thì có nhiều nhưng điều đáng nói là tôi không nhận được những gì xứng đáng so với đồng tiền bỏ ra. Trung bình một năm với 181 ngày học chi phí cho cháu học bao gồm cả học phí, tiền xây dựng, tiền ăn ở trường và rất nhiều những khoản thu khác là 400 triệu/năm. Học phí liên tục tăng qua các năm. Ngoài gánh nặng tiền nong, tôi còn lo ngại về chữ viết, kiến thức xã hội và văn hóa của cháu thấp hơn những bạn cùng trang lứa học trường công. Lớp cháu trong một học kỳ mà thay đến 3 lần giáo viên chủ nhiệm cũng khiến tôi không hài lòng. Những thông báo của trường cho phụ huynh bằng tiếng Anh, đâu phải cha mẹ nào cũng biết tiếng Anh để dịch. Như vậy là đánh đố. Nhiều thắc mắc của phụ huynh gửi lên Ban giám đốc nhà trường thì gần như không được trả lời, giải thích.

Anh Lê Ngọc Anh, phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:Ở đâu cũng có hai mặt

Tôi hiện có hai con đều theo học tại trường quốc tế. Chi phí cho hai cháu một năm khoảng 600-700 triệu đồng. Gia đình tôi làm kinh doanh nên muốn con cái có được môi trường giáo dục tốt nhất. Ở đâu cũng có mặt tốt, mặt xấu. Ngay trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng có điều người dân chưa hài lòng. Vậy trường quốc tế cũng thế thôi. Bên cạnh việc thu học phí cao đối với mặt bằng chung của người dân Việt Nam, tôi thấy trường quốc tế cũng có nhiều ưu điểm. Tôi nghĩ học trường quốc tế là phù  hợp với những gia đình có tài chính tốt và có kế hoạch cho con đi du học tại nước ngoài.