Phục dựng chùa Dạm-Bắc Ninh: Cần hết sức thận trọng!

ANTĐ - Vừa qua, trong nỗ lực nhằm mục đích phục dựng chùa Dạm (Bắc Ninh), các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức thăm dò khảo cổ tại đây trên diện tích 300 m2. Dù chỉ chiếm chưa tới 2% tổng diện tích ngôi chùa, nhưng đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc, hiện vật khảo cổ quý. Điều này thêm phần khẳng định vị trí “quốc tự” của ngôi chùa này.

Một hố khai quật tại chùa Dạm

Dấu ấn hoàng gia

Mặc dù chỉ cách chân núi Dạm chưa đầy 1km, nhưng không nhiều người biết đến sự tồn tại của ngôi chùa này. Khi chúng tôi hỏi đường vào thăm chùa, nhiều người còn chỉ nhầm đường vào chùa Hàm Long gần đó. Dấu tích ngôi cổ tự,  chìm lấp giữa những tán cây và vạt đất đá ngổn ngang. Đại danh lam cổ tự nay chỉ còn lại một đống đổ nát, hoang tàn, những chân cột bằng đá, ngói, gạch… vương khắp nơi.

Gần đây, trước nguy cơ biến mất của một đại danh lam cổ tự, tỉnh Bắc Ninh và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp tổ chức đợt khai quật thám sát trên diện tích 300m2. Kết quả đợt đào thám sát vừa qua đã mang lại những kết quả bất ngờ. Bước đầu có thể kết luận sơ bộ chùa Dạm có bốn cấp nền khác nhau với độ chênh từ 3-5 mét. Mỗi cấp nền được kè bằng những khối đá lớn vững chắc, ken chặt nhau. Kè đá cho mỗi nền được xếp bằng ba lớp đá với mỗi phiến đá được cắt gọt cẩn thận có kích thước 50 x 60cm. Đi kèm nền đá là những con đường đá tương ứng. Kỹ thuật xây dựng ngôi chùa như thế nào cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, bởi không hiểu bằng cách nào, người xưa đã đưa được hàng nghìn phiến đá lên đến độ cao tới 5m.

Bước đầu các nhà khoa học khẳng định, chùa có kiến trúc đúng như những gì được ghi trong lịch sử. Theo đó, chùa Dạm là một quần thể kiến trúc gồm bốn lớp xây cao dần vươn lên theo độ cao sườn núi Lãm Sơn. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm trong tổng thể chung của khu di tích. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy các trụ sỏi lớn có đường kính trên 1m. Qua các trụ sỏi này cho thấy công trình rất lớn. Số trụ sỏi tìm thấy còn khá nguyên vẹn, chúng cũng đã tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh đó, hàng loạt di vật xây dựng cũng cho thấy sự tương đồng về nghệ thuật với một số vật liệu xây dựng tại Hoàng Thành Thăng Long. Điển hình là những viên gạch đất nung có hình hoa cúc, những đầu rồng nhỏ cho thấy công trình có dấu ấn hoàng gia cũng được tìm thấy ở đây...

Cột đá chùa Dạm, biểu tượng của Mỹ thuật Việt Nam

Đại lễ đặt đá chỉ là chọn ngày đẹp?

Những gì thu được từ đợt thăm dò khảo cổ khiến không ít người ngỡ ngàng về tầm vóc của ngôi quốc tự xưa kia. Nhưng, bất ngờ xảy ra khi tỉnh Bắc Ninh tổ chức một buổi Đại lễ đặt đá khôi phục di tích chùa Dạm. Nhiều người đặt câu hỏi, mới chỉ thăm dò khảo cổ trên diện tích 300m2 (bằng 2% tổng diện tích chùa) thì tỉnh Bắc Ninh định phục dựng ngôi chùa Đại Lãm Tự 1.000 năm tuổi như thế nào? Và ngay khi cuộc khai quật khảo cổ học ở chùa Dạm vừa kết thúc, đã có một số ý kiến đề nghị tiến hành lập dự án phục dựng đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở cấp nền 4. Lý do được đưa ra là hiện nay đã có nhiều người cung tiến tiền bạc, công đức, nếu không cho làm thì sợ họ sẽ… rút lại số tiền đã ủng hộ. Lý do này khiến giới nghiên cứu lịch sử vô cùng hoang mang bởi việc khai quật còn chưa đâu vào đâu, chưa nhận diện được mặt bằng tổng thể thì khó đặt vấn đề phục dựng. Nếu cứ vội vàng dựng đền, sau này không phù hợp với quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Dạm thì xử lý thế nào?

Hiện vật kiến trúc cao cấp tìm thấy tại chùa Dạm

Hai cụ bà Đoàn Thị Dân và Nguyễn Thị Thú hiện đang trông coi ngôi chùa này cho biết: “Tháng trước có cả đoàn về khảo sát và hoàn thành đợt một, hẹn sang tháng sẽ tiếp tục làm đợt hai nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy ai về”. Ghi nhận của phóng viên tại công trường khảo sát, nhiều hố thăm dò đã bị mưa ngập, xói mòn. Đất đá, bùn ngổn ngang. Trong khi công trường khai quật đang phơi mình giữa mưa nắng thì vẫn còn nhiều tranh cãi xảy ra quanh chuyện phục dựng chùa Dạm. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng việc đặt vấn đề phục dựng một công trình nào đó vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì nhiều lẽ: Diện tích thám sát khai quật còn quá nhỏ để giúp chúng ta nhận diện thật sự chân xác về mặt bằng tổng thể của di tích. Bên cạnh đó, thư tịch cổ ghi chép về việc khởi dựng, trùng tu chùa Dạm là quá ít. Bởi vậy, để nói về việc trùng tu từ bây giờ là quá sớm.

Tiến sỹ Lê Đình Phụng, phụ trách công trường khai quật khảo cổ học tại di tích chùa Dạm cho rằng việc làm lễ đặt đá của tỉnh chỉ là phần nghi lễ nhằm mục đích lấy ngày, giờ tốt. Việc phục dựng hay trùng tu vào thời điểm này chắc chắn chưa thể triển khai vì vẫn chưa có phương án thiết kế. Theo TS. Phụng, hiện Viện Khảo cổ đã có phương án khai quật trên toàn bộ mặt bằng của ngôi chùa với diện tích khoảng 7.600m2. Tất cả chỉ còn chờ sự quyết định của Bộ VHTT & DL. Chỉ sau khi có thiết kế về công trình thì mới có thể tiến hành phục dựng. Còn nhiều việc phải làm trước khi tính đến chuyện có phục dựng hay không, phục dựng như thế nào.