Phân vân khi trao thêm quyền cho đại học

ANTĐ - Hôm nay, 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.

Liên quan tới dự Luật Công đoàn (sửa đổi), một số ý kiến đồng tình về việc Luật nên điều chỉnh cả người lao động là người nước ngoài, song cho rằng, không nên quy định “cứng” về việc phải có từ 20 lao động trở lên mới thành lập tổ chức công đoàn. ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, bản chất công đoàn là một tổ chức tự nguyện, vì vậy tiêu chí về số lượng không nên đưa vào luật.

ĐB Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội quan tâm đến quy định về kinh phí hoạt động của công đoàn: “Việc trích 2% tổng quỹ lương thực trả được thực hiện lâu nay, nhưng trước đây quy mô doanh nghiệp rất nhỏ. Bây giờ tình hình đã khác, 2% tổng quỹ lương của doanh nghiệp có thể rất lớn, có còn phù hợp không”? Ông gợi ý phương án coi 2% tổng quỹ lương thực trả là mức trần đóng góp. ĐB Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị, Luật quy định việc trích kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương cơ bản...

Chiều cùng ngày, các ĐBQH đã góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học. Nhiều ý kiến ghi nhận xu hướng trao thêm quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng cho rằng “vẫn còn có sự phân vân, lưỡng lự nên việc trao quyền không dứt khoát, triệt để”. GS. Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN nói: “Khi một cơ sở giáo dục được coi là đủ tư cách thành lập ĐH thì cơ sở đó phải được tin tưởng giao quyền tự chủ, chứ lại còn chờ phải kiểm định, chờ lộ trình… thì ý nghĩa của việc trao quyền bị hạn chế”.

ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM thẳng thắn: “Tự chủ vốn là thuộc tính của giáo dục đại học, có rất nhiều nội dung các trường hoàn toàn tự chủ được mà Bộ GD-ĐT “ôm vào”. Đơn cử như vấn đề tuyển sinh. Có nhà quản lý ĐH nói, với những quy định hiện hành, quá trình tuyển sinh giống xe đò đi rước khách. Hết ghế xe đò loại 1 rồi mới đến loại 2, còn lại xe ọc ạch vét nốt, không thể đảm bảo chất lượng”. Ông lưu ý, điều kiện căn bản để giao quyền tự chủ là đối tượng tự chủ phải là pháp nhân, do đó cần phải chế định trường ĐH là một pháp nhân. Ông bày tỏ đang mong mỏi “một cuộc cải cách giáo dục đại học một cách căn bản, triệt để”.