Luật Vẫn ở… trên trời!

ANTĐ - Chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, đây là dịp tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh, do đó tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn có xu hướng tái diễn và diễn biến phức tạp ở tất cả các địa phương.


Hàng Tết trong siêu thị có đảm bảo?

Siêu thị Big C đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 25% - 30% so với 2011; Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Tổng lượng hàng được dự trữ là 24.000 tấn với tổng số vốn là 2.800 tỷ đồng; Hệ thống Citimart cũng dự trù hàng hóa cho ngày Tết với doanh thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng/ngày, tăng gấp 4,5 lần ngày thường. Lượng hàng hóa nhiều như vậy, liệu các siêu thị có kiểm định được hết chất lượng hàng hóa. Thực tế  cho thấy hầu hết các siêu thị đều áp dụng phổ biến biện pháp kiểm định chất lượng nguồn hàng thực phẩm là kiểm tra trên giấy, tức dựa vào những cam kết về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó mỗi hệ thống bán lẻ cũng có những phương án kiểm soát theo cách riêng. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Citimart cũng xác nhận: Với hàng chục nghìn sản phẩm đang kinh doanh, trong đó có vài nghìn sản phẩm thực phẩm mà cần kiểm tra kiểm định mỗi ngày là điều rất khó thực hiện. Chính vì vậy cách thức kiểm tra chất lượng sản phẩm chính thức và phổ biến hiện nay của các hệ thống siêu thị cũng vẫn là thông qua các văn bản quy định trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa với nhà bán lẻ là siêu thị theo pháp luật. Cùng với đó là việc kiểm tra ngẫu nhiên: Trong một vài tháng lấy một số mẫu thực phẩm bất kỳ mang đi kiểm định và thường thì kết quả cho thấy những nghi ngờ từ phía cơ quan chức năng với chất lượng sản phẩm là có cơ sở. Lý giải về phương pháp kiểm tra này, ông Hải cho biết vì thực tế chi phí cho kiểm định khá cao, nếu áp dụng kiểm tra tất cả thì sẽ gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh. Có thể thấy hình thức kiểm tra này chứa nhiều rủi ro, nó đi sau người tiêu dùng và chính vì vậy yếu tố an toàn cho người tiêu dùng vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Hàng chợ còn hoang mang hơn

Hàng trong siêu thị còn phải đặt dấu hỏi về đảm bảo chất lượng VSATTP nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng sắm hàng Tết tại siêu thị. Chợ mới chính là nơi cung cấp hàng hóa chính cho người dân. Và có đến đây mới thấy ma trận hàng hóa như thế nào. Không giống như siêu thị, nguồn hàng hóa tại chợ thường không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ mà chỉ là mua bán trao tay.

Càng gần đến Tết lượng hàng hóa đổ về các chợ càng nhiều, đa dạng về chủng loại và chất lượng rất khó kiểm soát. Vào dịp Tết, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng nhanh và cũng là “mùa làm ăn” của các đối tượng buôn lậu khiến cho hàng giả, hàng kém chất lượng được dịp đổ bộ về Hà Nội. Khắp nơi đâu cũng thấy nhan nhản hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Nhức nhối từ thực phẩm kém chất lượng, từ những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn ngày ngày đe dọa sự an toàn của người tiêu dùng. Chất phụ gia tràn qua biên giới về các chợ và năm nào qua công tác thanh kiểm tra cũng phát hiện chất phụ gia có trong thực phẩm nhất là hạt dưa, hạt bí, ớt bột, các loại mứt, nhưng năm nào những thứ hàng đó cũng vẫn được nhập lậu về Việt Nam. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày tràn lan tại các chợ như chợ sinh viên, chợ đầu mối lớn của thành phố và các chợ ngoại thành.

Người tiêu dùng không phải là Tôn Ngộ Không

Câu chuyện về thiếu VSATTP đã được nói đi nói lại nhiều lần nhưng thiệt thòi luôn đứng về phía người tiêu dùng khiến cho người ta càng  lo lắng nhiều hơn. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Việc xây dựng và ban hành Luật là cần thiết trước xu hướng các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ, nhưng có vẻ như luật vẫn nằm trên giấy mà chưa được thực thi trong đời sống. Người tiêu dùng vẫn bị lừa, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không an toàn hoặc chứa chất phụ gia, tẩm ướp chất độc hại vẫn tràn lan. Hàng loạt vụ “thực phẩm bẩn” đã bị phát hiện, hàng loạt vụ ngộ độc đã xảy ra nhưng chưa thấy vụ nào nhà sản xuất đứng ra nhận trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) trong phiên thảo luận về luật này đã cho rằng, luật  yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái, nhưng thực tế thì tiến sĩ cũng bị lừa nữa là người dân. Bánh chưng, mứt tết, chai rượu, ai kiểm tra được mà biết, mở ra nếm, bóc ra ăn thử à? Nghĩa là không thể đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái như Tôn Ngộ Không, nhưng cũng không thể để người dân gặp gì cũng mua, không ai có trách nhiệm. Nhà nước phải có hệ thống văn bản, cũng như bộ máy, thậm chí chính quyền cơ sở đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng, không thể để chính quyền cơ sở dung túng, bao che cho gian thương làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Muốn thi hành Luật có hiệu quả thì cần phải có tổ chức, bộ máy có đủ quyền hạn, chức năng và sâu sát với quần chúng nhân dân, chứ không thể ở “trên trời” được, vì việc tiêu dùng là việc hàng ngày của mọi người dân.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng  là hành lang pháp lý quan trọng không những để bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp tới tay người tiêu dùng. Nhưng việc thực hiện đến đâu, các cơ quan Nhà nước có thực sự mạnh tay, xử lý nghiêm minh với các đối tượng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hay không thì vẫn đang là câu hỏi?

 Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, bộ công thương: Ban bảo vệ người tiêu dùng sẽ vào cuộc

Người tiêu dùng bị thiệt hại trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nỗi bức xúc của người dân và của các cơ quan quản lý, nhưng để giải quyết câu chuyện này không đơn giản. Thực tế những vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng thường không lớn, trong khi quá trình giải quyết phức tạp, kéo dài, kết quả không đi đến đâu nên tâm lý chung của người tiêu dùng là ngại khiếu kiện. Người tiêu dùng khi bị xâm hại quyền lợi có thể nhờ đến cơ quan chức năng như Ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh. Thông qua thông tin từ người tiêu dùng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng sẽ ghi nhận lại, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như liên tục xảy ra với một nhãn hàng hoặc một sản phẩm nào đó, cơ quan sẽ vào cuộc ngay.

Tiến sĩ Luật Nguyễn Đức Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật: Nhà sản xuất phải tôn trọng người tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng phải định rõ trách nhiệm trực tiếp của các Bộ, ngành, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhà nước. Khi trật tự kinh tế thị trường chưa được thực hiện có hiệu quả, thì vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng, làm cho thị trường hoạt động có trật tự hơn. Ở đó, nhà sản xuất - kinh doanh phải tôn trọng người tiêu dùng. Đồng thời, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng; đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này.

Ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Cần tính đến trách nhiệm của nhà sản xuất

Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể biết chắc chắn hàng hóa mình mua có đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng hay không? Bởi nếu chỉ nhìn vào nhãn mác của sản phẩm thôi thì cũng không thể phân tích được mức độ an toàn, thành phần của sản phẩm đó. Ví dụ như vụ hạt nêm được các cơ sở quảng cáo là làm từ thịt thăn và xương ống, nhưng theo thông tin từ Hội Khoa học và An toàn thực phẩm Việt Nam, thực tế chỉ chứa một lượng bột thịt rất nhỏ khoảng 2%, còn lại chủ yếu là các chất hóa học có tác dụng tạo ngọt. Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm, là một trong những vấn đề khá mới trong pháp luật Việt Nam nhưng việc đưa trách nhiệm của nhà sản xuất vào Luật là hợp lý. Ở nhiều nước trên thế giới, họ còn có hẳn bộ luật riêng về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp. Trách nhiệm sản phẩm không chỉ là về chất lượng, mà còn là mức độ an toàn của sản phẩm với người tiêu dùng.