Hà Nội hướng dẫn phương án bố trí cán bộ HĐND xã sau sắp xếp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 20/5, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã triển khai Hướng dẫn số 01-HD/ĐU của Đảng ủy HĐND TP về định hướng công tác nhân sự đại biểu HĐND khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 20/5, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức giao ban với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Tại hội nghị, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã triển khai Hướng dẫn của Đảng ủy HĐND TP về định hướng công tác nhân sự đại biểu HĐND khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.

Hướng dẫn nêu rõ quan điểm, việc sắp xếp, kiện toàn HĐND phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Cán bộ lãnh đạo HĐND được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển; hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp.

Về xác định đại biểu HĐND xã mới được thành lập, Hướng dẫn nêu rõ: Đối với các xã mới thuộc trường hợp nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhập nguyên trạng (bao gồm cả diện tích tự nhiên và dân cư).

Theo quy định của luật, đại biểu HĐND của xã mới được xác định trên cơ sở hợp thành của đại biểu HĐND các đơn vị hành chính xã cũ và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Đối với các xã được hình thành trên cơ sở sáp nhập một phần địa giới hành chính nhưng không có bộ phận dân cư (chỉ chuyển diện tích tự nhiên, không làm biến đổi dân số) cũng áp dụng trường hợp này.

Các Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo rà soát, thống kê đại biểu HĐND các xã hiện nay (số lượng, danh sách đại biểu HĐND tính đến ngày 15/5/2025) để có tổng số lượng đại biểu HĐND của xã mới và hoàn thiện số liệu.

Đối với xã mới thuộc trường hợp được thành lập trên cơ sở hợp thành của nhiều đơn vị hành chính, trong đó có điều chỉnh một phần địa phận và dân cư của các đơn vị hành chính cấp xã cũ: Đại biểu HĐND cấp xã đang cư trú hoặc công tác ở địa phận đó được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Số lượng, danh sách đại biểu HĐND của xã mới được tính theo tổng số đại biểu HĐND của các xã hiện nay và một số đại biểu HĐND xã được xác định đang cư trú hoặc công tác ở xã có một phần địa phận và dân cư hợp thành xã mới.

Ví dụ: Đối với xã Đông Anh được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng của 3 xã: Cổ Loa, Mai Lâm, Đông Hội và một phần địa phận và dân cư của thị trấn Đông Anh, các xã: Uy Nỗ, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Liên Hà, Tiên Dương, Tàm Xá của huyện Đông Anh.

Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cần xác định đối với phần địa phận và dân cư của thị trấn Đông Anh, các xã: Uy Nỗ, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Liên Hà, Tiên Dương, Tàm Xá, nếu có đại biểu HĐND xã, thị trấn đang cư trú, đang công tác ở địa phận được điều chỉnh thì được tính là đại biểu của HĐND xã Đông Anh mới được thành lập.

Số đại biểu HĐND xã Đông Anh mới được thành lập được tính theo tổng số đại biểu của 3 xã Cổ Loa, Mai Lâm, Đông Hội và các đại biểu HĐND xã, thị trấn đang cư trú, đang công tác ở địa phận được điều chỉnh của thị trấn Đông Anh, các xã: Uy Nỗ, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Liên Hà, Tiên Dương, Tàm Xá.

Trường hợp một xã mới được hình thành trên cơ sở nguyên trạng đơn vị hành chính cấp xã của một huyện, và một phần địa phận, dân cư của các đơn vị hành chính cấp xã của một huyện khác:

Đảng ủy HĐND Thành phố đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy nơi xã có một phần địa phận và dân cư của các đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập (đơn vị phối hợp) rà soát và xác định, nếu có đại biểu HĐND cấp xã đang cư trú hoặc công tác ở phần địa phận và dân cư được điều chỉnh thì tổng hợp, chuyển thông tin, danh sách đến Ban Thường vụ Huyện ủy - đơn vị được phân công chủ trì để tổng hợp và xác định danh sách đại biểu HĐND của xã được thành lập mới.

Ví dụ, đối với xã Nam Phù và xã Ngọc Hồi: Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín rà soát nếu có các đại biểu HĐND đang cư trú hoặc công tác ở nơi có một phần địa phận và dân cư của các xã: Ninh Sở, Khánh Hà, Duyên Thái để chuyển Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì tổng hợp vào số lượng, danh sách đại biểu của các xã Nam Phù và Ngọc Hồi.

Đối với xã thuộc trường hợp thành lập mới trên cơ sở nguyên trạng của một đơn vị hành chính cấp xã đã có với một phần diện tích tự nhiên của các xã khác, nhưng không làm thay đổi số lượng dân cư của xã đã có.

Theo quy định của luật, thì đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính cũ chuyển thành đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính mới. Do đó số lượng, danh sách đại biểu HĐND của xã mới được tính theo đại biểu HĐND của xã trước đây.

Qua rà soát 75 xã dự kiến được thành lập, có xã Minh Châu (huyện Ba Vì) thuộc trường hợp này.

Trường hợp cụ thể khác, Đảng ủy HĐND Thành phố lưu ý: Đối với trường hợp các xã, thị trấn sắp xếp, sáp nhập với phường để trở thành phường tại thành phố Hà Nội, theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì kết thúc hoạt động của HĐND tại các xã, thị trấn kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với các xã, thị trấn này có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với đại biểu HĐND cấp xã đang cư trú hoặc công tác ở phần địa phận và dân cư chưa bị sáp nhập vào phường mới. Ví dụ, các phường dự kiến thành lập mới: Phường Thanh Liệt, phường Phú Lương, phường Chương Mỹ, phường Sơn Tây, phường Tùng Thiện…

Các Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy cần rà soát, xác định số lượng, danh sách đại biểu HĐND các xã; số lượng, danh sách đại biểu HĐND xã đang cư trú hoặc công tác ở phần địa phận và dân cư chưa bị sáp nhập vào phường mới vào Phụ lục tổng hợp và đề xuất phương án xử lý để Đảng ủy HĐND Thành phố tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo.