Học ngoại ngữ đắt hay rẻ?

ANTĐ - Phong trào học ngoại ngữ không chỉ đang rộ lên với phụ huynh học sinh mà với cả ngành giáo dục trước việc triển khai Đề án của Chính phủ quyết tâm cải thiện khả năng tiếng Anh của người dân trong vòng 10 năm tới. Mong muốn là vậy nhưng để thực hiện lại không dễ.

Tiếng Anh trong nhà trường vẫn chưa khiến phụ huynh yên tâm về chất lượng (ảnh minh họa)


Chưa bao giờ học ngoại ngữ rẻ như bây giờ

Đây là nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Theo Phó Thủ tướng, điều kiện đi kèm để học ngoại ngữ dễ dàng đến với người học thông qua các chương trình học miễn phí trên mạng. Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với rất nhiều chương trình học tiếng Anh mà không cần trực tiếp đến lớp, không cần giáo viên hướng dẫn.

Đối với 15 triệu học sinh phổ thông, việc học tiếng Anh trong các trường học cũng được đẩy mạnh theo chương trình Đề án dạy và học ngoại ngữ của Chính phủ trong toàn hệ thống giáo dục đến năm 2020. Với đề án này, việc học tiếng Anh được tăng cường từ 1, 2 tiết  mỗi tuần lên đến 4 tiết/tuần trong các bậc phổ thông. Vì tiếng Anh theo đề án này đã trở thành môn học bắt buộc thay vì môn học tự chọn ở bậc tiểu học như trước đây nên học sinh hoàn toàn không phải đóng tiền học tiếng Anh. Đây cũng là một trong những thuận lợi cho học sinh đối với môn học này, đặc biệt với những vùng sâu vùng xa, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Rẻ có đi kèm với chất lượng?

Mặc dù Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 sẽ đem lại nhiều thay đổi về điều kiện, cách thức học tiếng Anh trong trường phổ thông nhưng nếu tính trung bình mức chi mỗi học sinh được hưởng theo đề án này thì khó có thể trông đợi một kết quả như mong muốn. Tổng số ngân sách Chính phủ chi cho đề án này là 9.378 tỷ đồng trong 10 năm với khoảng 20 triệu người thụ hưởng. Tính ra mức chi bình quân cho một người là 47.000 đồng/năm. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng công nhận rằng mức chi này không nhiều và cần phải tìm thêm những nguồn vốn khác để đầu tư cho công tác dạy và học ngoại ngữ trong trường học.

Không phải đóng học phí học tiếng Anh, đa số trường triển khai thí điểm chương trình dạy ngoại ngữ của Bộ đang kiến nghị với Bộ GD-ĐT về chế độ lương cho giáo viên dạy tiếng Anh không đủ khuyến khích người có trình độ. Ngay chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, hiện giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ,  trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và có năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy tiểu học nhưng quy định về trình độ và mức lương chưa được tháo gỡ nên không thu hút được, khiến có tình trạng thừa giáo viên giỏi nhưng thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.

Vẫn phải học thêm bên ngoài

Có thể thấy trước nhu cầu cao của phụ huynh học sinh muốn con được học tiếng Anh, đa số các trường từ tiểu học trở lên ở Hà Nội đều đã triển khai dạy tiếng Anh trong nhà trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng yên tâm với chất lượng môn học này. “Tôi cho con theo học chương trình DyNet, dạy tiếng Anh của nhà trường cho học sinh lớp 1 đến giờ đã lên lớp 3 nhưng hỏi con từ này là gì hay nói câu này bằng tiếng Anh như thế nào thì chỉ thấy con lắc đầu. Trong khi đó, mới đi học ở trung tâm bên ngoài vài buổi, con đã hào hứng về khoe học được nhiều từ theo chủ điểm mỗi buổi học” - Chị Nguyễn Thúy Vinh, phụ huynh một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết. Theo một giáo viên từng dạy tiếng Anh ở trường tiểu học Lê Quý Đôn, chương trình tiếng Anh DyNet không hề dễ dạy và học như nhiều người vẫn nghĩ khi có sự phối hợp giữa tin học và ngoại ngữ. “Chỉ những giáo viên cứng tay và yêu nghề thì mới thực sự sử dụng được chương trình này, còn không sẽ chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, học sinh vào tiết học chỉ như là chơi điện tử” - giáo viên này cho biết.

Với 100.000/tháng tiền học phí môn tiếng Anh tự chọn ở bậc tiểu học tính ra mỗi học sinh chỉ phải đóng khoảng 15.000 đồng/buổi học, còn lại được học bằng máy tính... Nếu so với số tiền phụ huynh phải trả cho con đi học tại các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là trung tâm có yếu tố nước ngoài thì số tiền này chỉ bằng 1/10. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh hiện nay đều phải đầu tư cho con đi học thêm thay vì chỉ học ở trường nếu muốn con học ngoại ngữ đến đầu đến đũa. Tâm lý “tiền nào của ấy” vẫn hiển hiện khá rõ đối với môn học này trong nhà trường.