Ứng xử thế nào với thời đại thông tin

ANTĐ - Thời đại thông tin tác động đến từng người, gõ cửa đến từng nhà, len lỏi đến từng ngõ, từng xóm, leo trèo đến vùng cao, chui đến cả vùng sâu… Có ai đó định bụng bịt tai lại nhưng vẫn cứ nghe thấy như có tiếng động, tiếng vang vọng đâu đây.

Thời đại thông tin, một sản phẩm văn minh của loài người. Nó mở ra cơ man nào cơ hội. Nhưng nó cũng tạo ra bao nhiêu nỗi lo âu, bao nhiêu nỗi sợ hãi, thậm chí là khiếp sợ. Không ít ông bố, bà mẹ hoảng sợ vì sự thâm nhập đủ loại thông tin làm cho con em hư hỏng, chí ít là mắc căn bệnh cận thị, tự kỷ, mắc chứng béo phì, thậm chí là điên… Không biết bao nhiêu tổ chức mất toi công phu định hướng cho các thành viên. Không ít nhà nước quân chủ có, độc tài có, tư bản có… hỗn loạn, thậm chí là vỡ vụn cả bốn mùa, bất kể là mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông. Và cũng không ít các tổng thống, các thủ tướng… kể cả anh hùng của một thời phải ra đi êm ái có, tàn ác có.

Thời đại thông tin là cái gì mà nó gớm ghiếc đến thế? Có lẽ con người ta sẽ có cả chục, cả trăm sự lý giải. Nhưng có lẽ, có thể là, thời đại thông tin là thời đại mọi loại sự thật: Sự thật tốt có, sự thật xấu có. Sự thật giả trá có. Bản năng người có. Bản năng súc vật có. Thuần phòng mỹ tục có. Phản thuần phong mỹ tục có… cứ trần trụi, cứ thô lố, cứ rỉ rả, cứ gào thét trước lỗ mặt, lỗ tai, chạm đến đường gân, thớ thịt, làn da con người ta. Nó mới gớm ghiếc làm sao. Nó mới thô tục làm sao, lỗ mãng làm sao… Nhưng nó cũng khai sáng làm sao, đáng trân trọng, đáng yêu, đáng quý… làm sao. Trở nên tốt đẹp hơn trong thời đại thông tin. Đứng vững và phát triển lành mạnh, bền vững trong thời đại thông tin… Hình như mọi thứ giải pháp vào loại đồ cổ, thời nô lệ, thời phong kiến… thậm chí cả thời tư bản hoang dã, tư bản không kịp đổi mới đã trở nên kệch cỡm, trở nên lỗi thời, trở nên vô vọng.

Dám đối mặt với thông tin, nghĩa là dám đối mặt với sự thật trần trụi. Không hoa hòe, hoa sói gì cả mà vẫn đứng vững và phát triển mới có cơ may sinh tồn, có tính quy luật, một thứ quy luật thuộc về tự nhiên. Đau đớn đấy mà sinh sôi nảy nở đấy!

Dám. Cái thứ dám ấy với mỗi gia đình là sự dám hy sinh tất cả vì con cái. Thứ dám ấy sẽ cho con người ta cái khả năng chủ động dựng lên những bức tường vô hình có khả năng miễn dịch tối đa trong thời đại thông tin toàn cầu. Yêu thương và hy sinh. Hy sinh và yêu thương về tổng quát, về đại thể mới có cơ may lọc ra những thứ tinh túy nhất, còn quý hơn vàng ròng của thời đại thông tin.

Làm sao có thể làm chủ trong thời đại thông tin. Người nào hay ông bà nào làm chủ về thông tin là cầm chắc phần thắng. Câu chuyện này vừa xưa, vừa mới tỉnh tình tinh. Làm chủ thông tin thời xưa quá dễ, nào “Quân xử thần tử, thần bất tử, thần bất trung”. Nào Phu tử tòng tử… Nào một lô một lốc những thứ văn hóa chết người, những thứ văn hóa nếu không phải là một dân tộc ngoan cường như người Việt Nam mình thì đã trở thành một dân tộc đui mù, một dân tộc hèn kém. Làm chủ thông tin kiểu chủ nô với nô lệ ấy, kiểu mẹ hát con khen hay ấy đã và sẽ vĩnh viễn qua rồi.

Làm chủ thông tin, trong thời đại thông tin toàn cầu phải có những điều kiện gì? Người viết chỉ phán đoán rất trực quan ở mấy điểm sau đây:

Trước hết, không phải là phương tiện kỹ thuật. Bởi phương tiện có mà đầy rẫy. Ai ai cũng có một “con dế” trong tay, một phương tiện nghe trộm, nhìn trộm trong tay. Nếu thích còn có cả phương tiện phát sóng trong tay v.v…và v.v…Đừng cứ tưởng cứ là đại gia về phương tiện là có thể làm chủ về thông tin, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.

Thời đại thông tin với tất cả các tính chất tích cực và tiêu cực của nó, cách mạng và phản cách mạng của nó. Người nào, tổ chức nào hình như chỉ có thể làm chủ về thông tin, một khi dám đối mặt với sự thật trần trụi mà cuộc cách mạng về thông tin đem lại, khi: người ấy, tổ chức ấy đại diện hoặc bản thân anh ta thuộc về lẽ phải vào thời đại mà anh ta đang sống. Chỉ khi ấy, thì như tổ tiên ông bà ta thường dạy “Lẽ phải củ cải cũng nghe” (Xin mở ngoặc là lẽ phải chứ không hẳn là nói phải. Bởi người Nam bộ thường nói: Nói zậy mà không phải zậy).

Không thuộc về lẽ phải thì dù có đủ loại phương tiện mạnh mẽ đến đâu, nghệ thuật đến đâu và sách lược, chiến lược, chiến thuật… đến đâu cũng không thể làm chủ trong thời đại thông tin. Mà hậu quả trước sau thế nào cũng rõ.