Cần phải nhìn thẳng

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên, trong 3 ngày diễn ra phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, đã dành trọn 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm. Một phần nội dung kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm tới cũng được đưa ra bàn bạc với những nội dung liên quan chặt chẽ đến tình hình 8 tháng qua. Có thể coi tháng 8 như một mốc thời gian rất có ý nghĩa để nhìn lại chặng đường đã đi qua và con đường dài phía trước với những khó khăn, thách thức, những yếu kém và cả thuận lợi cùng cơ hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phiên họp này Chính phủ dành rất nhiều thời gian trao đổi thẳng thắn về những yếu kém. Thủ tướng nói rất mạnh rằng, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào lạm phát và tìm ra giải pháp. Vì sao lạm phát cao như vậy? Đánh giá về 8 tháng đầu năm nay, ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng cho là “rất khó khăn”.

Đó là vấn đề nợ công cũng căng thẳng, giá vàng tác động mạnh đến thị trường. Yếu tố tâm lý khiến cho thị trường vàng hỗn loạn trong thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định quyết định cho nhập khẩu 7 tấn vàng là kịp thời, hợp lý để đảm bảo cho người dân không bị thiệt thòi. Báo cáo của Bộ Tài chính nhận định rằng thị trường vàng, ngoại hối diễn biến phức tạp, khó lường. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, giao dịch trầm lắng, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm về chỉ số và giá trị giao dịch, gây tác động xấu đến các doanh nghiệp niêm yết và tâm lý nhà đầu tư.

Trong tháng 8, những tác động từ bên ngoài cũng như những bất cập nội tại tiếp tục gây “sóng gió” đến kinh tế xã hội. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 dù tốc độ tăng có chậm lại so với tháng trước và thấp nhất từ đầu năm nhưng tính chung 8 tháng đã tăng tới 15,68% so với tháng   12-2010. Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho thấy một số tín hiệu tương đối tươi sáng. Trong một vài tháng gần đây, một số chỉ số ngày càng tốt lên như tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại tệ; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 60,8 tỷ USD tăng 33,7% và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Nhập siêu khoảng 6,21 tỷ USD bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất không phải là ý muốn chủ quan của người làm chính sách mà là nhu cầu thực tế. Ông khẳng định đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng không ảnh hưởng đến lạm phát song cũng không cần sử dụng hết mục tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng đạt 20%. Còn theo ý kiến của một số tổng giám đốc các ngân hàng 100% vốn nước ngoài như HSBC, Standard Chatered, ANZ… Chính sách tiền tệ của Chính phủ Việt Nam đang có hiệu quả. Điều quan trọng nhất là củng cố lòng tin vào đồng nội tệ và Chính phủ đang làm tốt điều này. Tất nhiên, chính sách đúng chỉ có thể phát huy tác dụng khi việc thực thi tốt. Chính sách tiền tệ là nhằm ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Lãi suất cao hiện nay có thể gây khó khăn nhưng nó tạo ra sự ổn định trong tương lai. Cách để hạ lãi suất là giảm lạm phát.

Nhìn thẳng vào lạm phát và những khó khăn chính là cách tốt nhất để vượt qua nó. Gói giải pháp tài chính trong 4 tháng cuối năm đã được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tới việc cắt giảm đầu tư công với tuyên bố mạnh mẽ: Kiên quyết thu hồi những dự án vi phạm Nghị quyết 11 với số tiền ước khoảng 2.000 tỷ đồng thì bội chi năm nay có thể ở mức 4,9% GDP thấp hơn mức Quốc hội đề ra là 5,3% GDP.