Báo in phát hành kém có cái lý của nó

ANTĐ - LTS: Trong bối cảnh Hà Nội phát triển ngày càng mạnh mẽ, liệu báo in của Hà Nội có đáp ứng kịp nhu cầu? Nhân kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng Thủ đô, Báo Người Hà Nội có cuộc trò chuyện với Đại tá Đào Lê Bình - Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô về vấn đề này. An ninh Thủ đô xin giới thiệu toàn văn bài báo này.

P.V: Hà Nội trong 10 năm trở lại đây đã mang diện mạo mới, đặc biệt khi Hà Nội mở rộng về địa giới hành chính. Vậy, theo ông, báo in của Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô hay chưa?

Đại tá Đào Lê Bình: Chúng ta cùng làm một phép so sánh: Hiện nay, Hà Nội có đến gần 7 triệu dân (đăng ký thường trú), rộng đến hơn 3000km2. Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho gần 7 triệu dân, bên cạnh hệ thống phát thanh, truyền hình, Hà Nội có 9 tờ báo in chính thống và mỗi ngày, tính một cách tương đối, báo in Hà Nội phát hành khoảng 200 nghìn bản. Con số này có thể nói là quá khiêm tốn nên đã bị “lọt thỏm” vào “biển người” 7 triệu dân.
Khi nói ra điều này, cá nhân tôi  vừa cảm thấy không vui vừa cảm thấy mình còn có lỗi với độc giả. Vậy nguyên do của thực tế trên là sao? Nếu vin vào những lý do khách quan như do báo mạng phát triển hay công nghệ truyền thông kỹ thuật số đang chiếm lĩnh thị phần để đẩy lỗi về phía người khác thì tôi nghĩ đấy là cách thoái thác trách nhiệm của những người làm báo in.

Ngoài công tác chuyên môn, giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội
do Báo An ninh Thủ đô tổ chức hàng năm là một sân chơi mang nhiều ý nghĩa

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thực tế để trả lời hai câu hỏi: Vì sao người đọc không đọc và báo không bán được? Về phía người đọc, vì lý do kinh tế suy thoái, để giảm chi phí, họ có quyền lựa chọn đọc hay không đọc, đọc ít hay đọc nhiều, thậm chí là “thuê” báo để đọc. Dẫu vậy, tôi nghĩ, lý do quan trọng hơn vẫn là ở bản thân mỗi tờ báo đã thực sự đổi mới hay chưa. Tôi xin được mở ngoặc, đổi mới mà tôi muốn đưa ra không phải là kiểu đổi mới ra thêm ấn phẩm mới “lá cải” mà là đổi mới về tư duy.

Chúng ta không được quyền chê trách bạn đọc mà tự thân mỗi chúng ta phải nghiên cứu xem ngoài vai trò làm tốt công tác chính trị của Đảng thì báo chí Hà Nội đã trở thành diễn đàn của nhân dân hay chưa? Tôi thấy vế thứ hai của báo Hà Nội còn yếu, nghĩa là sự tương tác giữa bạn đọc và báo còn nặng về người đọc phải đọc những gì báo chí mang lại còn những gì bạn đọc mong muốn thì báo chí chưa đáp ứng được. Điều đó cho thấy báo chí Hà Nội lâu nay bị xơ cứng về mặt nghề nghiệp, hay buông xuôi, thiếu dũng cảm song hành cùng người dân và mỗi tờ báo chưa dám đối mặt với chính khó khăn của chính mình.

Đối với Báo An ninh Thủ đô, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì từ quá trình phát triển gần 20 năm trở lại đây?

Đại tá Đào Lê Bình: Từ năm 1995, khi đất nước đổi mới mạnh mẽ, chúng tôi đã nhìn nhận việc bùng nổ thông tin là một xu thế tất yếu. Bởi vậy, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc thay đổi tờ tuần báo An ninh Thủ đô: không thể để nó bó hẹp trong ngành công an mà phải mở rộng và tiến đến trở thành một tờ báo phản ánh được đa diện của Hà Nội. Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu hành động: xây dựng tờ báo mang tính chuyên ngành sâu sắc, mở rộng tính xã hội và nâng cao chất trí tuệ và văn hoá.
Trên cơ sở đó, báo An ninh Thủ đô phát hành 2 kỳ/tuần, rồi đến 3kỳ/tuần và đến năm 2004  thì trở thành tờ nhật báo khẳng định được vị trí đứng đầu của mình trong khối báo in của Hà Nội nói riêng và vị trí tốp đầu trong những tờ báo uy tín của Việt Nam nói chung. Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng tôi đúc rút được sau chặng đường đổi mới ấy của mình là phải biết vượt qua chính mình và giành được sự tôn trọng của độc giả lẫn đồng nghiệp.

Ông có thể nói rõ hơn về việc “nâng có tính chất trí tuệ và văn hoá” trong khẩu hiệu hành động của An ninh Thủ đô?

Đại tá Đào Lê Bình: Tôn chỉ ấy được chúng tôi đưa ra từ việc ý thức rõ ràng: chúng tôi làm báo phục vụ người dân Hà Nội. Nghĩa là, mỗi bài viết, góc phản ánh, kỳ phóng sự … của tờ báo ngoài thông tin nhạy bén, chính xác thì không thể tách rời chất trí tuệ, văn hoá rất đặc trưng của Người Hà Nội. Hiện nay Báo An ninh Thủ đô có 20 trang thì có 2 chuyên trang về văn hoá thể thao. Độc giả đừng cho như thế là ít ỏi mà hãy đọc An ninh Thủ đô một cách cẩn thận thì thấy văn hoá và trí tuệ được phóng viên, biên tập viên của báo thể hiện trong từng câu, từng chữ của từng vụ việc, sự kiện. Và chúng tôi nhận thấy rằng, có như thế tờ báo mới sống được và đi vào được tâm hồn người dân Hà Nội.

Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay văn hoá Người Hà Nội kém phần “thanh lịch”. Ông có suy nghĩ gì trước vấn đề này?

Đại tá Đào Lê Bình: Tôi bắt đầu “chán tai” khi nghe những câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” … Cũng bởi lẽ, gần đây chúng được nhắc đến nhiều trong các phong trào xã hội song làm thì chẳng bao nhiêu. Văn hoá của người Hà Nội bây giờ bị ngoại lai ồ ạt xâm lấn và không thể chống đỡ nổi. Sự ô nhiễm này khủng khiếp như tầng ozon của trái đất đang bị khí thải của con người xuyên thủng. Bởi vậy, theo tôi, bây giờ để nói về nét đẹp của Người Hà Nội thì tiêu chí đầu tiên cần đặt ra là: nét đẹp về pháp luật, đặc biệt luật giao thông - nét đẹp mà hiện nay người Hà Nội còn rất thiếu. 
Giữa khung cảnh giao thông hỗn loạn, việc giáo dục pháp luật về giao thông ở trường học xem ra còn chểnh mảng. Học sinh học được chăng  hay chớ nên khi ra đường chẳng còn nhớ gì đến việc vận dụng bài học vào thực tiễn. Đối với thanh niên khi học lái xe thì mục đích cuối cùng chỉ là vượt rào và có bằng. Khi có bằng thì xe cứ phóng vù vù, luật bay theo gió…
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Là tất cả chúng ta, tất cả người dân sinh sống ở Hà Nội.
Chẳng hạn, nỗ lực hiện nay của báo Người Hà Nội là một điều đáng khuyến khích. Đấy là các bạn đã và đang thổi bùng ngọn lửa: xây dựng – giáo dục văn hoá ứng xử, văn hoá giao thông của người Hà Nội qua cuộc thi ký - phóng  sự “Bình yên trên mọi nẻo đường”. Chắc chắn rằng với những gì các bạn đang làm sẽ đem lại một hiệu ứng nhất định đối với xã hội, đối với người Hà Nội hôm nay.

Trân trọng cảm ơn ông!