Lạm dụng tình dục trẻ em nam: Khung hình phạt quá nhẹ

ANTĐ - Theo quy định của BLHS, mọi hành vi quan hệ tình dục với trẻ em dưới 13 tuổi, dù trẻ bị cưỡng bức hay đồng ý đều cấu thành và bị xử lý về tội “hiếp dâm trẻ em”. Trên thực tế, trong số trẻ em bị xâm hại tình dục có nhiều trường hợp là bé trai, song cơ quan tố tụng lại không xử lý về tội danh hiếp dâm mà chuyển sang tội “Dâm ô với trẻ em” với khung hình phạt không tương xứng.

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Quy định có nhưng thiếu rõ ràng

Khoản 1, Điều 111 của Bộ Luật Hình sự quy định về tội Hiếp dâm như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm”. Theo nội dung trên, không có câu chữ nào khẳng định “người nào” chỉ là nam giới và “nạn nhân” chỉ là nữ giới, đồng thời hành vi “giao cấu trái với ý muốn của họ” không xác định rõ là hành vi giao cấu một chiều từ phía nam giới đối với nữ giới. Đáng lưu ý, trong toàn bộ các tình tiết định khung tại các khoản 2, 3 và 4, chỉ có một tình tiết là điểm (g) khoản 2 điều 111 và điểm (b) điều 112 ghi rõ “làm nạn nhân có thai” mới chỉ định chính xác nạn nhân là nữ giới.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mặc dù BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành không quy định nạn nhân của tội hiếp dâm chỉ là phụ nữ, song thực tiễn xét xử cho thấy, nạn nhân trong các vụ án hiếp dâm là phụ nữ và các bé gái, trong lịch sử tố tụng hình sự, ngành Tòa án Việt Nam cũng chưa từng xét xử một vụ án hiếp dâm nào mà nạn nhân là nam giới. Trong khi đó, thực trạng trẻ em nam bị xâm hại tình dục ở độ tuổi từ 4 - 5 tuổi đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, các cơ quan ban hành, bảo vệ pháp luật chưa có quy định tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi xâm hại tình dục trẻ em nam, từ đó nhận định và xử lý loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. 

Thực tế, khi đề cập sự xâm hại tình dục trẻ em (hoặc người chưa thành niên), pháp luật chú trọng đến nữ. Các tội danh thuộc nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em như “Hiếp dâm”, “Hiếp dâm trẻ em”, “Giao cấu với trẻ em được quy định tại các điều 111, 112, 115 BLHS có khung hình phạt cao nhất là tử hình chỉ xác định đối tượng bị hại là trẻ em gái. Trong khi đó, với đối tượng bị hại nam chỉ có 1 tội danh quy định tại điều 116 “Tội dâm ô với trẻ em” với khung hình phạt cao nhất 12 năm tù giam.

Mới đây, chị T.T.N, ở quận Tân Phú - TP.HCM đã tìm đến cơ quan chức năng tố cáo việc 2 con trai mình đã bị một thanh niên đồng tính dụ dỗ quan hệ tình dục. Theo lời kể của chị N, nhà mẹ đẻ chị N cho thuê trọ, trong số này có một thanh niên tên là H. H Phi, quê ở An Giang. Hàng ngày, Phi hay rủ cháu T- con chị N sang phòng chơi game, mở phim sex đồng tính cho T xem, sau đó dụ dỗ T quan hệ. Sau mỗi lần như vậy, Phi đều cho T tiền chơi game và dặn không được nói cho người lớn biết. Một lần về nhà thấy cháu A - con trai thứ hai của chị N hoảng sợ kể lại hành vi của Phi với mình, chị N mới liên hệ đến con trai đầu, mỗi lần sang nhà bà ngoại, cháu đều vào phòng Phi chơi, sau khi được chị N an ủi, động viên, T mới chịu kể mọi chuyện... Tuy nhiên, đối tượng chỉ bị CQĐT khởi tố vì hành vi “Dâm ô với trẻ em”.

Tổn thương tinh thần lâu dài

Cách đây chưa lâu, em N.V.T đã tìm đến Trung tâm tư vấn đào tạo và phát triển cộng đồng để nhận được sự giúp đỡ của nhân viên tư vấn tại đây. T kể lại, 13 tuổi em đã bị chính mẹ kế của mình xâm hại. Điều đặc biệt là người mẹ kế này luôn chăm sóc, yêu quý, sẵn sàng đáp ứng mọi sở thích của T để nhằm thoả mãn nhu cầu tình dục với cậu bé. Sau này, khi bà ta qua đời, T thừa nhận đó là mất mát lớn đối với mình. Kể từ đó, T không yêu ai được nữa và cũng không có ý định lấy vợ. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn- giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng cho biết, lệch hướng tình dục, trở thành người tình dục đồng giới là một trong những hậu quả có thể xảy ra với các bé trai bị xâm hại tình dục. Bởi, việc hình thành xu hướng tình dục phụ thuộc một phần vào kinh nghiệm tình dục đầu tiên. Trên thực tế, khi trẻ em nam bị xâm hại tình dục sẽ có nguy cơ trở thành người đồng tính, thậm chí tổn thương tinh thần không kém gì đối tượng bị xâm hại là bé gái. Bởi đối với các em trai, người phụ nữ nhiều tuổi hơn, nhất là những người vốn tỏ ra yêu thương, chăm sóc mình, thường được đồng nhất với vai trò người mẹ. Tính cách người con trai càng mạnh, sự dằn vặt tinh thần càng lớn. Ngoài những tác hại trên, những em trai bị xâm hại tình dục cũng dễ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm trong thời gian mới xảy ra sự cố hoặc phải chịu những hậu quả nặng nề khi trưởng thành, tạo mầm mống xuất hiện các xử sự trái pháp luật hoặc vi phạm pháp luật.

Tuy tổn thương về tâm lý, thể chất mà trẻ em nam bị xâm hại tình dục phải gánh chịu rất lớn nhưng những quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam lại chưa tương xứng. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành các quy định, hướng dẫn nhằm kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em nam, tăng tính răn đe đối với những đối tượng phạm tội.