- Tuyên án nhóm đối tượng đâm cô gái tử vong khi chờ đèn tín hiệu giao thông
- Xét xử nữ 'quái xế' tông tử vong cô gái dừng đèn đỏ ở Hà Nội
![]() |
24 bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm có tuổi đời còn rất trẻ |
Hậu quả thương tâm
Sáng sớm 22-4-2025, rất nhiều người đã có mặt tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để theo dõi và tham dự phiên tòa. Theo cáo trạng truy tố, khoảng 0h15 rạng sáng 3-11, chị N.N.Q (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng) điều khiển xe máy đang đỗ dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (hướng đi từ ga Hà Nội về Bệnh viện Trung ương quân đội 108). Lúc này, một đoàn thanh thiếu niên điều khiển xe máy đi theo chiều ngược lại với tốc độ cao, trong đoàn có Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, trú tại quận Tây Hồ) điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda mang BKS: 29F1-687.66 chở theo Nguyễn Phương Anh (SN 2005, trú tại quận Hoàn Kiếm) đi với tốc độ nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ tông trúng khiến nạn nhân ngã ra đường.
Cùng lúc này, Nguyễn Tá Minh Khang (SN 2008, trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) điều khiển xe máy BKS: 29M1-942.74) chở Lê Đình Cường (SN 2008, trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) đâm thẳng vào chị Q. Sau đó, các đối tượng lên xe bỏ chạy khỏi hiện trường. Khi xe cấp cứu đến thì chị Q đã tử vong. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác minh và triệu tập các đối tượng. Tại cơ quan công an, Nguyễn Hồng Nhung và Nguyễn Tá Minh Khang đã thừa nhận hành vi vi phạm của bản thân. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra tai nạn, cả Nhung và Khang đều không có Giấy phép lái xe. Hành vi của Nhung và Khang đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a và c, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự, và tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự. Hành vi của 22 bị cáo còn lại đã phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng”.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung khai tại phiên tòa |
Ngay khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm đọc cáo trạng truy tố, bà Phượng (mẹ của nạn nhân N.N.Q) đã bật khóc do không thể chịu đựng nổi khi đối diện một lần nữa với sự thật con gái mình đã ra đi mãi mãi. Những người thân đã phải đưa bà rời khỏi phòng xử án cùng lọ thuốc chống co thắt phế quản trên tay.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Hồng Nhung khai nhận, tối 3-11-2024 đã rủ bạn lên phố “đi lượn” và chụp ảnh thì thấy một đoàn xe máy phóng qua liền đuổi theo “xem có ai quen không”. Quá trình di chuyển, Nhung liên tục bấm còi, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, sau đó đã gây ra tai nạn cho chị Q. Ngồi phía sau xe, Nguyễn Phương Anh khai không biết bạn mình chưa có bằng lái xe. Sau va chạm, cả hai xe cùng ngã ra đường, Nhung bất tỉnh nên Phương Anh đã cùng 2 đối tượng khác đưa Nhung đi bệnh viện. “Khi vào đến bệnh viện, bị cáo mới biết vụ tai nạn gây chết người” - Phương Anh trả lời Hội đồng xét xử.
Về phần Nguyễn Tá Minh Khang, bị cáo này cảm thấy rất ăn năn hối hận vì đã gây ra cái chết cho chị Q. Các bị cáo còn lại cúi gằm mặt, không biết vì xấu hổ hay chỉ đơn giản là để né tránh ống kính của các phóng viên.
Cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ
Trong một phòng khác, bà Phượng theo dõi phiên xét xử và liên tục rơi nước mắt sau mỗi lời khai của các bị cáo. “Từ khi con qua đời, tôi thường xuyên dùng thuốc chống co thắt phế quản” - người mẹ đau đớn nói trong tiếng nấc nghẹn. Bà cho biết thêm: “Sau cú sốc quá lớn này, bố cháu Q hàng ngày cố gắng lao đầu vào công việc để quên đi cảm giác đau đớn, nhưng đêm về vợ chồng tôi lại ôm nhau khóc” - bà Phượng kể.
Được biết, chính trong buổi tối định mệnh ấy, gia đình bạn trai chị Q đã đến nhà bàn chuyện cưới hỏi cho đôi trẻ. Sau khi tiễn khách ra về, chị Q đã xin phép đi chơi với bạn một lúc và trên đường về thì gặp chuyện. Trước đó, chị vẫn vui vẻ nói cười và ánh lên niềm hạnh phúc rạng rỡ về tương lai ở phía trước. Nỗi đau này, có lẽ chỉ có bậc làm cha, làm mẹ mới hiểu được.
![]() |
Nhiều người có mặt từ sớm để tham dự phiên tòa |
Về phần gia đình các bị cáo, có những giọt nước mắt lau vội, cũng có những gương mặt rúm ró, nhưng cũng có những dáng vẻ thờ ơ, có lẽ vì bất lực, vì không thể quản lý, giáo dục được con nên buông xuôi. Ngồi với phóng viên, mẹ của bị cáo L.Đ.C cũng không ngừng rơi nước mắt, phần vì thương con, phần còn lại là ân hận đã không quản lý chặt chẽ để con vướng vòng lao lý khi đang ngồi trên ghế nhà trường. “Khi tôi vào trại tạm giam thăm, con tôi cũng khóc vì ân hận. Nó bảo, lỗi là do con không nghe lời bố mẹ. Chỉ mong pháp luật khoan hồng, sau này ra tù nếu con không được đi học lại thì sẽ đi học nghề cắt tóc, làm lại cuộc đời…” - người mẹ kể.
Một phiên tòa nặng nề với cả những người thực thi công lý, các bị cáo, người nhà của bị cáo và thân nhân của nạn nhân xấu số bởi người chết thì không thể sống lại và những kẻ gây ra tội ác thì tuổi đời còn quá trẻ. Trách những gương mặt non nớt kia một thì trách các bậc cha mẹ mười. Vẫn những điệp khúc “cháu nó ở nhà ngoan lắm”, nhưng không thể hiểu khái niệm “ngoan” trong mắt những phụ huynh này gì? Con trẻ không chỉ cần sự uốn nắn, rèn giũa, mà còn rất cần sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương để phát triển nhân cách, đạo đức một cách toàn vẹn. Có như vậy, chúng mới trở thành tế bào tốt của xã hội.
Đã có rất nhiều vụ án liên quan đến vị thành niên được đưa ra xét xử và xét xử rất nghiêm minh. Tuy nhiên theo chúng tôi, tình hình tội phạm ngày càng tăng về mức độ, độ nguy hiểm, nhưng lại giảm về độ tuổi, tức là tuổi gây án, vi phạm pháp luật của các bị cáo ngày trẻ hóa. Vụ án này có 24 bị cáo thì trong đó 12 bị cáo khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Chúng tôi cho rằng, lỗi chính là trách nhiệm quản lý của gia đình các bị cáo, phụ huynh đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc các cháu tụ tập rủ nhau đua xe, gây rối trật tự công cộng, gây những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Như trong vụ án này thì hành vi của các cháu đã khiến 1 người tử vong, đó là hậu quả rất đau lòng. Do vậy, các bậc phụ huynh phải thấy rõ được trách nhiệm trong việc quản lý con em, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra…
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh (Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm)