Thai phụ stress có thể ảnh hưởng đến nồng độ sắt của trẻ

ANTĐ - Trẻ sơ sinh có mẹ bị stress trong 3 tháng đầu của thai kỳ tăng nguy cơ có nồng độ sắt thấp, dẫn đến chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội nghiên cứu Nhi khoa Hoa Kỳ tại Boston thì những trẻ sơ sinh có mẹ bị stress trong 3 tháng đầu của thai kỳ tăng nguy cơ có nồng độ sắt thấp, dẫn đến chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Sắt đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển các hệ cơ quan, đặc biệt là não bộ. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới nồng độ sắt thấp ở trẻ sơ sinh là do thiếu hụt sắt ở người mẹ, mẹ mắc bệnh tiểu đường, mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và đa thai.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học ở Trường Ashkelon,Trung tâm Y tế Barzilai tại Israel và Đại học Michigan tiến hành. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên người cho thấy căng thẳng sớm trong thai kỳ là một yếu tố nguy cơ khác dẫn tới nồng độ sắt thấp ở trẻ sơ sinh.

 

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn những thai phụ có ý định sinh con tại Trung tâm Y tế Barzilai. Nhóm phụ nữ đầu tiên (nhóm những phụ nữ căng thẳng) sống trong một khu vực có hơn 600 cuộc tấn công bằng tên lửa trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nhóm chứng sống trong cùng  khu vực và mang thai 3-4 tháng sau khi các cuộc tấn công tên lửa kết thúc.

Những phụ nữ đã được hỏi để xác định xem liệu họ có khỏe mạnh và không bị biến chứng thai kỳ không hay không. Những phụ nữ đủ điều kiện đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu được phỏng vấn 1 hoặc 2 ngày sau khi đẻ về tình trạng sức khỏe chung của họ trong thời kỳ mang thai. Họ cũng điền vào bảng câu hỏi về trầm cảm và lo âu liên quan đến mức độ căng thẳng của họ trong thời kỳ mang thai. Máu cuống rốn đã được thu thập và đo nồng độ ferritin huyết thanh (sắt).

Kết quả cho thấy 63 trẻ sơ sinh có mẹ trong nhóm căng thẳng có nồng độ ferritin máu cuống rốn thấp hơn đáng kể so với 77 trẻ có mẹ trong nhóm chứng.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phụ nữ có ý định sinh con nên bổ sung sắt 12 tháng trước khi mang thai, đặc biệt là ở nhóm có nguy cơ cao. Nhờ vậy thiếu sắt (có hoặc không có thiếu máu) có thể được phát hiện sớm và điều trị trước khi trở thành mạn tính và nghiêm trọng.