Chỉ còn một kỳ thi quốc gia

ANTĐ - Chiều 9-9, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án thi THPT quốc gia năm 2015. Tuy nhiên, thay đổi này liệu đã tạo sự ổn định cho thí sinh hay chưa vẫn là câu hỏi lớn.

Học sinh lớp 12 năm nay sẽ làm quen với nhiều thay đổi trong thi cử

Thi 4 môn tối thiểu

Kỳ thi quốc gia năm 2015 sẽ có nhiều thay đổi do được thừa kế cách tổ chức của kỳ thi “3 chung”. Theo đó, thay vì thi tại trường trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh sẽ phải về các cụm thi. Kỳ thi này Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH có đủ năng lực chủ trì chấm và coi thi.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.  Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi môn này.

Sở GD-ĐT sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Với mục đích lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định.  Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng. 

Băn khoăn về tính khả thi và ổn định 

Điểm đáng lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia này, tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có hay không tình trạng vì bệnh thành tích, có địa phương sẽ ép thí sinh dự thi tại các cụm thi này thay vì thi tại các cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì,  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết nguyện vọng thi là do thí sinh quyết định, địa phương không quyết định được. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, không vì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hay thấp mà tổ chức nhiều kỳ thi trong một năm.

Về việc có hay không tình trạng quá tải tại các cụm thi quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu thí sinh dự thi ĐH, CĐ, các cụm thi thường thu hút khoảng 30-40 nghìn thí sinh. Bộ sẽ bố trí các cụm thi với số lượng tương đương để không quá tải.

Đề thi sẽ tăng cường câu hỏi mở

Liên quan đến đề thi, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT giải thích, để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức kỳ thi này với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, có tăng cường câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở và giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt, cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức ngoài chương trình phổ thông.

Trước thắc mắc về tính ổn định của kỳ thi quốc gia, Thứ trưởng  Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, để thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo  thì những thay đổi trong thi cử tới đây đã được thiết kế phù hợp với chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới.