Thụy Khuê - phố “cổng làng”

(ANTĐ) - Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 ở châu thổ sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre.

Thụy Khuê - phố “cổng làng”

(ANTĐ) - Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 ở châu thổ sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre.

Cổng làng ở phố Thụy Khuê - Hà Nội

Cổng làng ở phố Thụy Khuê - Hà Nội

Khuất sâu cây đa hay cây gạo già với quán nước cổng làng không chỉ là ranh giới phân chia giữa vùng đất thổ cư và phần đất canh tác, mà hơn thế, cái cổng tưởng như một công trình vô tình dần dần lại hữu ý, ăn nhập vào cuộc sống dân làng và tự bao giờ trở thành một nhân chứng sống chứng kiến những người con ra đi và trở về, nỗi buồn chia ly, niềm vui hội ngộ hay hạnh phúc lứa đôi.

Trong chiến tranh, không ít cổng làng đã bị phá hủy. Ngày nay, khi xã hội phát triển, chiếc cổng làng được thay thế bằng những con đường rải nhựa mới. Chính vì thế, ngày càng ít dần những cổng làng, càng hiếm hoi hơn là những chiếc cổng làng mang phong cách kiến trúc xưa. Chạy dọc ven bờ hồ Tây, nổi tiếng với những làng nghề xưa, con phố Thụy Khuê còn được biết đến như phố của cổng làng. Những chiếc cổng cách nhau khoảng vài chục mét, có cổng màu sơn đã nhạt nhòa theo dòng thời gian, rêu xanh phủ lên những quãng dài lịch sử in hằn trên đó. Nơi đây, khi xưa quần tụ nhiều làng như An Thái, Yên Thái, Kẻ Bưởi… Và chiếc cổng làng đôi khi không còn nhiệm vụ bảo vệ sự xâm nhập từ bên ngoài mà trở thành nơi giao thoa, trao đổi văn hóa giữa các làng với nhau.

Những chiếc cổng làng nằm rải rác trên cả con phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở cuối đường Thụy Khuê, gần về phía ngã ba chợ Bưởi, phải có tới chục chiếc cổng làng. Người dân vẫn thường xuyên tụ tập buôn bán trước cổng, dựa lưng vào cổng tếu táo những câu chuyện thường ngày, xua đi sự mệt mỏi bươn chải với cuộc sống. Cổng làng dần trở thành điểm dựa để người và người gần lại với nhau.

Ngày nay, để làm đẹp mỹ quan đô thị, hầu hết những chiếc cổng làng trên phố Thụy Khuê được tu bổ, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổng làng xưa, lưu giữ hồn Việt, hồn quê. Nhiều người con ra đi trở về với cố hương, với chiếc cổng làng gắn bó tuổi thơ ấu vẫn bùi ngùi xúc động khi đứng trước cổng làng. Đó là nơi đánh dấu sự ra đi của họ và bây giờ đang giang rộng vòng tay chào đón người con phương xa trở về, cổng làng không chỉ là con mắt lịch sử, mà giờ đây đã trở thành điểm mốc để mỗi người đi xa nhận biết nơi mình từng gắn bó tuổi thơ, khi quay về.

Cổng làng từ bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã Bắc Bộ nói chung và đất kinh kỳ nói riêng. Bước qua cổng làng, phải như một người khách “nhập gia tùy tục” và bắt đầu cuộc khám phá nét văn hóa riêng, với những phong tục tập quán, luật lệ riêng của từng làng. Đất nước Việt Nam và Thủ đô Hà Nội tự hào bởi kiến trúc cổng làng, một nét văn hóa kiến trúc không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều đó làm nên nét riêng hồn làng Việt, làm nên sự khác biệt và tôn vinh văn hóa dân tộc Đại Việt. Bởi vậy mà có biết bao họa sĩ, thi sĩ từng ngây ngất khi đứng trước cổng làng. Giống như những câu thơ đẹp như tranh vẽ của nhà thơ Bàng Bá Lân :

“Chiều hôm đón mát cổng làng

Gió hiu hiu đẩy mây vàng ôm trôi

Đồng quê vờn lượn chân trời

Đường quê quanh quất bao người về thôn …”

Hạnh Dung