Nhà văn Đỗ Bích Thúy và một miền ký ức

ANTĐ - Với những người xa quê, trong một thời khắc nào đó của cuộc đời, họ sẽ nhận thức rõ ràng nhất sự mất mát, khó bù đắp được. Và tôi nghĩ nhà văn Đỗ Bích Thúy đang ở trong những tháng ngày như thế khi miền đất Hà Giang, nơi chị đã sinh ra và lớn lên, nơi chị đã ươm những mầm văn chương đầu tiên trên con đường chữ nghĩa cứ ngày một xa, xa mãi.

Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ quân đội) có hai cây đại già ủ bóng trầm mặc chứng kiến nhiều nỗi vui buồn của nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy. Trong căn phòng của chị luôn có một chiếc nia nhỏ đựng đầy hoa đại. Hoa đại trắng có một hương thơm rất đặc trưng, hướng con người ta đến sự thanh khiết, thiền tịnh. Trong không gian ấy, nữ chủ nhân của căn phòng luôn tỏ ra bình thản, an nhiên, nhưng ẩn sau đó là những xúc cảm trước một cuộc chia ly với cố hương âm thầm nhưng mãnh liệt.

Quê hương luôn là vùng miền lưu dấu, mang sắc màu chủ đạo của ký ức, gắn với mỗi người như một sợi dây vô hình. Với Đỗ Bích Thúy, thì còn một sợi dây hữu hình là căn nhà mái ngói rêu phong trong thung lũng ba mặt là núi, một mặt là sông ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Nơi ấy có bản người Dao, người Tày, có những người phụ nữ Mông nhẫn nại và cam chịu đã đi vào những trang văn của chị.

Chị và hai anh trai đều công tác tại Hà Nội. Vậy là mấy anh em bàn nhau quyết định bán nhà, đưa bố mẹ về Hà Nội để tiện chăm sóc cũng như để các cụ có thể hưởng các dịch vụ tiện ích về y tế. Dòng đời chảy trôi và chị hiểu điều đó, nhưng vẫn không tránh khỏi những day dứt trong sự mất mát, hụt hẫng, nhất là với một người dan díu với chữ nghĩa. Hà Giang vẫn đấy, mà không phải đấy. Chị thấy sợ hãi khi nghĩ về viễn cảnh khi mỗi lần đưa các con về Hà Giang sẽ phải ngủ khách sạn như bất kỳ du khách hiếu kỳ nào lên cao nguyên đá. Sẽ không còn những bậc thang gỗ, không còn chiếc bậu cửa nham nhở vết sẹo thời gian, sẽ không còn “căn gác áp mái” với chiếc hòm tôn cũ đựng những cuốn truyện thiếu nhi sờn cũ đã đưa chị vào ngưỡng cửa văn chương, không còn những chú sóc chí chách chuyền cành bên khu rừng mả kề ngôi nhà mái ngói ẩn trong thung lũng.

Hơn ai hết, Thúy hiểu rằng, chị đã đang mang theo Hà Giang của mình về Hà Nội, đã ủ kỹ nó trong trái tim ấm nóng. Hà Giang, cái miền ký ức ấy chị đã cất giấu tuổi thơ, cất giữ những rung cảm đầu đời. Nó sẽ là một ngăn ký ức khiến chị run rẩy mỗi lần đóng mở, thậm chí chỉ mới chạm khẽ vào ổ khóa. Ngăn ký ức nhạy cảm ấy sẽ rung lên khi bất chợt một vạt váy Mông bỗng rung rinh giữa phố; khi bất chợt nghe đâu đó văng vẳng những ca từ của “Hà Giang mến yêu ơi”, của “Người Mèo ơn Đảng”; khi bất chợt giữa phố đông một chiếc xe biển số 23 lướt qua, len lách ẩn hiện trong dòng người tấp nập. Có lẽ trong thâm tâm, Thúy đã muốn chạy theo cái người đi xe biển 23 ấy hỏi chuyện xem người ấy ở chỗ nào Hà Giang, chỗ ấy giờ đây thế nào. Thế nhưng, có những ranh giới ứng xử người ta không bao giờ vượt qua dù hoàn toàn có thể.

Quyết định ra đi để rồi nhớ đến quắt quay mảnh đất sinh thành, có lẽ đó là mâu thuẫn ngàn đời của những đứa con xa quê, và Đỗ Bích Thúy cũng không là ngoại lệ. Như chính chị đã viết trong tập tản văn mới nhất: “Có thể ai đó đang cho rằng tôi rỗi hơi, tôi vớ vẩn, nhưng tôi biết, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người đã rời xa Hà Giang, đã phải vật vã sống một cuộc sống gấp gáp của đô thị, đều thảng thốt mỗi khi nhìn thấy một hình ảnh nào đó lướt qua  trước mắt mình, dù đó chỉ là một chiếc xe mang biển số 23. Hình ảnh ấy như một tiếng gọi từ đâu đó vọng về, níu giữ bước chân những đứa con xa xứ, vì những ước muốn thường nhật và giản dị mà phải ra đi”. Đúng vậy! Vì những lý do khác nhau mà người ta phải ly hương và cũng chính vì thế mà người ta không lúc nào thôi nhung nhớ.

Đỗ Bích Thúy là người giàu có. Giàu có về ký ức. Tài sản ấy được gom góp từ những vân vi lẩn thẩn đàn bà, từ “những buổi chiều ngang qua cuộc đời” thấp thoáng những gương mặt, những thân phận, những cõi đời, như hư, như thực… “Tôi sẽ mang tất cả những gì có thể về Hà Nội, nhưng có một thứ tôi biết mình không thể mang được, đó là nỗi nhớ”. Đỗ Bích Thúy đã viết như thế ở cuối tập tản văn mới nhất của chị, còn tôi lại nghĩ ngược lại, thứ duy nhất chị có thể mang đi khỏi miền đất chôn nhau cắt rốn không phải là một vốc đất bỏ vào lọ, không phải một cục đá bị nước suối bào nhẵn thín, không phải là cây dương xỉ mọc trên taluy sau nhà, cũng không phải là chiếc ống thổi lửa trong căn bếp, thứ duy nhất Thúy có thể mang đi chính là nỗi nhớ.

Bây giờ người ta nói “Thúy Hà Nội quá, Thúy không còn là Thúy ngày xưa nữa rồi…”. Nhiều người thấy thú vị trước điều ấy, nhưng cũng có những người lại cứ… tiếc nuối một hình ảnh Đỗ Bích Thúy của những năm tháng cũ. Nếu như bảo Đỗ Bích Thúy là đứa con của núi, là người con của đất Hà Giang ở thời điểm này tôi thấy đúng mà cũng không còn đúng nữa. Nó chỉ đúng trăm phần trăm khi nói về cô phóng viên Báo Hà Giang về Hà Nội học báo chí nhưng rồi lại bén duyên và tỏa sáng ở địa hạt văn chương mười năm trước. Bây giờ nhiều người chỉ nhìn thấy “Thúy Hà Giang” đã thành “Thúy Hà Nội” nhưng mấy ai biết rằng, chính chị cũng có một niềm tiếc nuối khác: Hà Giang bây giờ lạ quá, Hà Giang bây giờ không còn là Hà Giang của Thúy nữa rồi. Có ai có thể bắt mọi thứ đứng im? Vậy thì sao thiên hạ lại cứ bắt người khác phải giữ lại những hình ảnh theo ý mình!

Cuộc sống luôn là một hội chợ phù hoa, và Thúy cũng chỉ là một diễn viên như vô vàn những diễn viên khác trên sân khấu phù hoa ấy. Chỉ có điều, những gì là của chị thì chị sẽ giữ riêng cho chị, chị không mang những riêng tư để phủ chụp lên đời sống nhưng cũng không để cho những phù hoa dụ dỗ, dù nó vẫn góp phần vào cuộc sống của chị.

Đỗ Bích Thúy từng viết, nếu như ở gia đình, có lúc nào đó mệt mỏi, nhìn vào những đứa con người ta có thể vịn vào đó để thấy những mệt mỏi ấy là nhỏ bé, để có lý do vịn vào cuộc đời mà đi tiếp, thì tôi nghĩ, trong phòng văn của mình, mỗi khi chợt nhớ quay quắt về một Hà Giang trong quá vãng, thì chính khung cửa sổ mở ra khoảng trời phía trước con đường Lý Nam Đế, nơi có những bông đại trắng tỏa hương thơm thiền tịnh ấy, đã giúp Thúy giữ cho mình một khoảng lặng, để bình thản trước mọi sự đời…